19/01/2016
Hiện nay, có nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có một sản phẩm du lịch được ngày càng nhiều du khách ưu tiên lựa chọn, đó là du lịch xanh. Tuy nhiên, sự phát triển của các loại hình du lịch đều ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xã hội, môi trường.
Tác động của du lịch tới môi trường
Đối với xã hội, hoạt động của du lịch nói chung, du lịch xanh nói riêng sẽ phát sinh một số vấn đề như bán các sản phẩm chất lượng thấp với giá cao, hướng dẫn viên du lịch thiếu chuyên nghiệp (hướng dẫn viên du lịch xanh đòi hỏi phải có trình độ, sự hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, xã hội, đa dạng sinh học...), tạo tâm lý khó chịu cho du khách. Tổ chức các lễ hội truyền thống, biểu diễn dân gian mang tính thương mại, tính truyền thống của nền văn hóa địa phương dần bị mai một, mất bản sắc riêng. Tại một số làng nghề thủ công truyền thống thay vì đón tiếp khách với lòng hiếu khách là mục đích thương mại hóa ở mức cao từ du khách. Thiện cảm của du khách bị giảm dẫn đến sự suy giảm lượng du khách đến tham quan.
Đối với môi trường tự nhiên, khu di tích lịch sử, văn hóa tâm linh..., với mục đích thu hút du khách, một số nơi đầu tư không có quy hoạch, kiến trúc phù hợp làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên của môi trường. Cùng với đó, các khu du lịch xây dựng dọc theo bãi biển, triền núi phá vỡ hệ đa dạng sinh học (ĐDSH) tổng thể. Việc trùng tu, phục dựng các khu văn hóa, sinh hoạt tâm linh (đình, chùa, miếu mạo...) trong các khu, tuyến, điểm du lịch xanh chưa được đầu tư, nghiên cứu tổng thể, quy hoạch mang tính lâu dài. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt trong hoạt động du lịch chưa có khu xử lý cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các khu, tuyến, điểm du lịch.
Nguyên nhân là do việc triển khai những quy hoạch chi tiết mang tính tổng thể về phát triển du lịch xanh tại các khu, tuyến, điểm du lịch chưa có, hoặc nếu có, cũng là các đề án xã hội hóa chưa được thẩm định một cách khoa học, chi tiết, chưa có những công trình đánh giá tác động về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội mà các hoạt động du lịch phát sinh. Vì vậy, việc xử lý các vấn đề về môi trường, môi sinh phát sinh tiêu cực từ hoạt động du lịch mang tính chắp vá, tình thế. Sự phối kết hợp triển khai trong quá trình BVMT du lịch xanh hiệu quả không cao. Sự phối hợp trong việc triển khai quản lý nhà nước về BVMT du lịch xanh không có sự ràng buộc và chịu trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ban, ngành, lĩnh vực liên quan.
Đồng thời, việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn khu, tuyến, điểm du lịch, BVMT xanh - sạch - đẹp, các kiến thức về văn hóa lễ hội, tâm linh, văn hóa giao tiếp ứng xử, ĐDSH, giao thông đường xá thường được triển khai theo chuyên đề, phong trào, không mang tính thường xuyên, liên tục. Việc xã hội hóa trong BVMT du lịch xanh còn chậm, cần có sự đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn đầu, nhất là cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến lợi ích, kiến thức về du lịch xanh, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đa dạng sinh học ĐDSH chưa được quan tâm trú trọng.
Du khách tham quan cảnh quan sông nước bằng xuồng trên Cù Lao Thới Sơn (Tiền Giang)
Giải pháp quản lý phát triển du lịch
Để có được môi trường tự nhiên trong lành, môi trường xã hội lành mạnh, ổn định, bảo vệ ĐDSH, góp phần vào phát triển du lịch xanh cần có các giải pháp đồng bộ sau:
Một là, xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết những khu, tuyến, điểm du lịch xanh, tính đến các yếu tố về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ĐDSH, coi đó là một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển du lịch xanh. Cần có nhận thức đầy đủ về sự tác động của hoạt động du lịch nói chung, du lịch xanh nói riêng đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội của từng khu, tuyến, điểm du lịch. Đồng thời, xác định được những nhân tố tích cực trong mối quan hệ qua lại giữa việc đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch xanh với vai trò của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đối với việc khai thác và phát huy thế mạnh về du lịch của đất nước, của từng địa phương.
Hai là, tăng cường phối, kết hợp hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về mặt du lịch để giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển hoạt động du lịch xanh với việc đảm bảo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.
Ba là, cần có sự phối hợp của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để ngày càng nhân rộng mô hình du lịch xanh.
Bốn là, áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn ngành, kiểm tra, giám sát để duy trì chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá và quản lý, nhất là đối với các sản phẩm du lịch xanh nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với tầng lớp lao động trực tiếp, gián tiếp, người dân tại các khu, tuyến, điểm du lịch về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ĐDSH đối với sự phát triển du lịch bền vững. Ngăn chặn những tác động xấu do kiến trúc ngoại lai, nền văn hóa ngoại lai mang lại cho địa phương.
Sáu là, tăng cường xã hội hóa có sự định hướng, điều chỉnh và giám sát của Nhà nước trong phát triển du lịch xanh. Đồng thời, đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, công bằng giữa các tổ chức du lịch và người dân. Từ đó, nâng cao mức độ tình nguyện tham gia xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, an toàn, văn minh.
TS. Trịnh Đức Hưng
Học viện Hành chính
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)