12/10/2023
Ngày 12/10/2023, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức “Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam”, nhằm đánh giá kết quả cũng như nhìn nhận lại khó khăn, tồn tại trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch; đồng thời, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), từ đó thảo luận, trao đổi về hiện trạng, tiềm năng và đưa ra giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là vấn đề có tính thời sự, đang được Phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập ở nội dung giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, bởi các nguồn năng lượng truyền thống gây ra nhiều tác động tiêu cực lên môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP 26. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, sạch và an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng, đòi hỏi sự đầu tư lớn, trong khi đó, công nghệ sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo (NLTT) vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn để đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Đặc biệt, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các DN và người dân tích cực lựa chọn sử dụng năng lượng sạch, việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để vừa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than, Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn NLTT mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas…
Thực tế thời gian qua cho thấy, triển vọng năng lượng Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức nghiên cứu và truyền thông. Ngành năng lượng phát triển mạnh trong tất cả các khâu, từ thăm dò, khai thác, sản xuất đến truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp; trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm; hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm; dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế... Vì vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì Việt Nam rất cần có chính sách khuyến khích nhằm mở rộng thị trường NLTT, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án NLTT sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho DN trong nước, giúp các DN có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Toàn cảnh Diễn đàn
Diễn đàn đã lắng nghe các tham luận về hiện trạng và tầm nhìn phát triển năng lượng trong bối cảnh toàn cầu, xoay quanh các nội dung chính như: An ninh năng lượng quốc gia là tiền đề quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sử dụng năng lượng hiệu quả: Giải pháp quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng; từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch: Vai trò của đổi mới công nghệ; những giải pháp của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn; chuyển đổi điện tái tạo thành các sản phẩm năng lượng hướng đến phát thải ròng bằng 0; xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; cơ hội, thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi, đề xuất và kiến nghị…
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về hướng đi cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa; đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng mới, NLTT trong giai đoạn tới.
Đa số ý kiến nhận định, năm 2023 được coi là dấu mốc trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam, từ việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang việc ưu tiên và khai thác tối đa nguồn năng lượng mới, NLTT nhằm mục đích bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (COP26). Đặc biệt, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Các cam kết của Việt Nam tại COP 26 được thể hiện thông qua việc điều chỉnh cơ cấu nguồn điện tại Quy hoạch điện VIII: Tập trung đẩy mạnh các nguồn NLTT (tỷ trọng điện năng từ nguồn NLTT trong tổng điện năng sản suất là 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045); không xây dựng nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030; dừng sử dụng than cho phát điện năm 2050; phần lớn các nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro đến 2050… Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện chuyển đổi năng lượng, trong đó có chuyển đổi cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức: NLTT yêu cầu vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn lâu; giá thành sản xuất cao hơn nguồn năng lượng truyền thống; năng lực và trình độ công nghệ trong nước hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp; công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời thể hiện nhiều bất cập, phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải điện…
TS. Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, thế giới còn từ 70 - 100 năm để sử dụng 3 loại năng lượng truyền thống. Trong đó, than đá tiêu thụ mỗi năm bình quân là 7.320 triệu tấn, trong khi dự trữ than đá ước tính là 891.500 triệu tấn; dầu mỏ mỗi năm tiêu thụ 35 tỷ thùng, trong khi dự trữ dầu mỏ trên thế giới là 1.480 tỷ thùng; khí đốt mỗi năm là 4.000 tỷ m3 trong khi dữ trữ khí đốt toàn cầu là 187.100 tỷ thùng. Đáng chú ý, việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế. Do đó, cần phát triển năng lượng sạch, NLTT, đổi mới công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tránh cạn kiệt.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực trạng trên, ông Dũng cho rằng, cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như thời gian vừa qua, Việt Nam cần đánh giá thực trạng của tiến trình phát triển năng lượng, từ đó đưa ra đề xuất đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng phải bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới, nhất là năng lượng mới, NLTT, sản phẩm phi năng lượng, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Đồng thời, phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo lộ trình và các cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững.
Bùi Hằng