21/07/2023
Ngày 20/7/2023, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm nay là năm rất đặc biệt đối với Bộ TN&MT khi đồng thời xây dựng và trình Quốc hội xem xét 02 Dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ban cán sự Đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ TN&MT coi đây là các nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng và tập trung nguồn lực tốt nhất để xây dựng. Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ngay sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV kết thúc, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo rất sát sao việc phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến Thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, ý kiến của các đại biểu Quốc Hội tại hội trường và tại các tổ.
Ghi nhận những nỗ lực, quá trình làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của Bộ TN&MT trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy chia sẻ thêm, chiều ngày 5/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tổng hợp đã có 125 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong đó đã có 98 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu tại Tổ và 23 lượt ý kiến phát biểu tại Hội trường; 4 ý kiến góp ý bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, Tổ công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã rà soát, làm việc cụ thể với các Bộ, ngành để xin ý kiến về dự thảo luật này, từ đó, có góp ý với cơ quan soạn thảo. Đến nay, còn 5 vấn đề mà Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT làm rõ trong dự thảo Luật gồm: (1) Phạm vi điều chỉnh của Luật: có bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên hay không; (2) Phân định rõ chức năng quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước và việc đầu tư, xây dựng, quản lý công trình khai thác, sử dụng nước; (3) Phạm vi quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn; quy định mức độ đến đâu trong Luật tài nguyên nước (sửa đổi); (4) Vấn đề tuần hoàn và tái sử dụng nước; (5) Tổ chức lưu vực sông.
Trao đổi về các vấn đề này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, theo Luật Tài nguyên nước hiện hành (2012) và Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội thì nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến Ủy ban thẩm tra thì cần xem xem xét, bổ sung điều chỉnh “nước khoáng, nước nóng thiên nhiên” vào trong Luật. Về vấn đề này, hiện nay “nước khoáng, nước nóng thiên nhiên” đang được điều chỉnh tại Luật Khoáng sản, do vậy, Bộ sẽ xem xét, đánh giá tác động, nghiên cứu kỹ lưỡng để quyết định việc đưa 2 đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hay để nguyên tại Luật Khoáng sản đang được sửa đổi.
Đối với nội dung phân định rõ chức năng quản lý điều hoà, phân phối nguồn nước và việc đầu tư, xây dựng, quản lý công trình khai thác, sử dụng nước, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, đây là nội dung quan trọng trong giải quyết vấn đề phân công trách nhiệm quản lý giữa 5 cơ quan liên quan đến nước là Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; hạn chế được xung đột, mâu thuẫn trong quy định pháp luật về nước. Đây cũng là nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn so với Luật Tài nguyên nước 2012, đặc biệt phải làm rõ Bộ TN&MT có nhiệm vụ quản lý thống nhất về tài nguyên nước, nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước; các bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành công trình. Trong điều kiện tài nguyên nước của chúng ta hiện nay ngày càng suy giảm, áp lực khai thác, sử dụng nước ngày càng gia tăng, việc điều hòa, phối tài nguyên nước là rất quan trọng, đặc biệt khi xảy ra hạn hán, thiếu nước. Do vậy, nội dung này cần thiết phải được quy định rõ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Về quy định mức độ phạm vi quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, để giải quyết vấn đề chồng chéo trong phân vùng cấp nước, quản lý công trình cấp nước ở vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, lợi ích của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường kinh doanh nước, trong phạm vi của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần rà soát, xem xét bổ sung những nội dung cốt yếu nhất để giải quyết ngay được những vấn đề hiện nay.
Bộ TN&MT cơ bản, thống nhất với ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung tuần hoàn và tái sử dụng nước. Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, việc tuần hoàn, tái sử dụng nước là bài toán về lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, nếu không xem xét kỳ sẽ có sự mâu thuẫn với chính sách thu hút đầu tư của nước ta. Việc khuyến khích rộng rãi tổ chức, cá nhân có điều kiện áp dụng các biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp xem xét, tính toán chi phí và lợi ích. Theo đó, cơ quan soạn thảo cũng thống nhất ưu tiên là chính sách khuyến khích và ưu đãi tập trung vào khu vực khan hiếm nước, khu vực nguồn nước không còn khả năng chịu tải và xác định trách nhiệm và lộ trình thực hiện của chính quyền địa phương đối với hoạt động này.
Báo cáo thông tin về tổ chức lưu vực sông, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước kỳ này cần thiết quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này trong Luật để có căn cứ Chính phủ quy định rõ cơ chế và việc tổ chức thực hiện nhằm mục tiêu sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực, một số tổ chức lưu vực sông được thành lập sẽ hoạt động có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ tích cực tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để có được dự thảo Luật Tài nguyên nước chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước và phòng chống tác hại do nước gây ra và đặc biệt là nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước của Việt Nam.
Trần Hương