25/01/2024
Nhằm tham vấn ý kiến về kết quả nghiên cứu thúc đẩy quản lý chất thải tại Việt Nam, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản xác định phương thức áp dụng kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện, bối cảnh quốc gia, ngày 23/1/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Mai Thanh Dung phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT Mai Thanh Dung cho biết, kinh tế tuần hoàn được xem là thu thế tất yếu của thời đại, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những mô hình kinh tế được ưu tiên thực hiện tại Việt Nam, trong đó, quản lý chất thải được xem là trung tâm với định hướng biến chất thải thành một dạng tài nguyên từ đó giúp giảm thiểu chất thải ra môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Cụ thể, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Luật BVMTN năm 2020 đã dành riêng một Điều (Điều 142) quy định về kinh tế tuần hoàn và nhiều điều, khoản có vai trò thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn như: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (Điều 75), tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích (Điều 79); trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu - EPR (Điều 54, Điều 55); tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...
Ông Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT trình bày tại Hội thảo
Trình bày về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, dự thảo Kế hoạch đã đề xuất 05 nhóm quan điểm, các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phân kỳ theo 02 giai đoạn đến 2025 và đến 2030, 16 chỉ tiêu cụ thể; 05 chủ đề, 15 nhóm nhiệm vụ và 45 hoạt động gồm: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; Quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; Tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn. Từ đó hướng tới mục tiêu chung nhằm hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Quang cảnh Hội thảo
Một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn bao gồm: Nông - Lâm - Ngư nghiệp; Khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo, hóa chất; Xây dựng và giao thông vận tải; Năng lượng; Quản lý chất thải; Lĩnh vực trung gian, cộng sinh như thương mại dịch vụ, du lịch.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; kết quả khảo sát về thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; hệ thống tái chế thiết bị điện tử gia dụng… Chuyên gia Nhật Bản cũng đề xuất, thời gian tới, Việt Nam cần chia sẻ và công bố thông tin dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; Thiết lập nhóm công tác giám sát kinh tế tuần hoàn và tổ chức họp thường xuyên giữa các bên liên quan, các bên tham gia; Xây dựng báo cáo môi trường kinh tế tuần hoàn và thực hiện thử nghiệm phát triển hệ thống kinh tế tuần hoàn (ví dụ: Thử nghiệm đối với nhựa).
Phùng Quyên - Đức Anh