Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

Tham vấn Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam

02/07/2025

    Nhằm trao đổi học thuật về kinh nghiệm, phương pháp tiên tiến trong xử lý kết quả dự tính của các mô hình dự tính kịch bản cũng như thảo luận các vấn đề kỹ thuật, dữ liệu, thông tin chung để giải quyết thách thức trong kịch bản BĐKH và mực nước biển dâng cho Việt Nam, ngày 2/7/2025, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn (KTTV) và BĐKH (Viện KHKTTV&BĐKH) phối hợp với Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen (Met Ofice) tổ chức Hội thảo Tham vấn Kịch bản BĐKH cho Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình WISER (Dịch vụ Thông tin Thời tiết và Khí hậu) khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&MT; Bộ Xây dựng; Chương trình Dịch vụ Thông tin thời tiết và khí hậu (WISER); Met Office; các nhà khoa học, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế…

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, kể từ Báo cáo Đánh giá đầu tiên của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) được công bố năm 1990 đến Báo cáo Đánh giá mới nhất (AR6) được công bố vào năm 2021, việc xây dựng các kịch bản BĐKH ở cấp độ toàn cầu và khu vực đã có nhiều bước tiến lớn về phương pháp cũng như độ chi tiết. Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Khí tượng Thủy văn, Viện KHKTTV&BĐKH là đơn vị đầu mối quốc gia có trách nhiệm cập nhật kịch bản BĐKH định kỳ 5 năm/lần.

    Tiếp nối kịch bản BĐKH năm 2020 và trên cơ sở AR6 của IPCC, đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2291/QĐ-BTNMT ngày 14/8/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&MT, Viện KHKTTV&BĐKH đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng, cập nhật kịch bản BĐKH cho Việt Nam phiên bản năm 2025. Bản cập nhật năm 2025 chú trọng vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là cực đoan đô thị và mực nước biển dâng, phục vụ sát thực hơn nhu cầu quy hoạch, xây dựng chính sách và ứng phó tại các địa phương. Bên cạnh đó, Kịch bản được thiết kế phù hợp với yêu cầu thông tin của các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan, góp phần hỗ trợ xây dựng các chiến lược, quy hoạch hiệu quả tại địa phương và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

    Theo Viện trưởng Phạm Thị Thanh Ngà, Hội thảo tham vấn kịch bản BĐKH cho Việt Nam” được tổ chức với mục tiêu tham vấn các bên liên quan về nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu và cách thể hiện kết quả trong kịch bản BĐKH, nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Đây đồng thời là dịp để các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước; đại diện các Sở, ban, ngành liên quan; các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học…. cùng trao đổi chuyên sâu về phương pháp, kỹ thuật dự tính khí hậu, nhu cầu sử dụng thông tin trong công tác lập kế hoạch, quản lý và ra quyết định.

Quang cảnh Hội thảo

    Trình bày tham luận “Phương pháp xây dựng Kịch bản BĐKH cho Việt Nam phiên bản 2025”, TS. Trương Bá Kiên, Viện KHKTTV&BĐKH nhấn mạnh, kịch bản BĐKH năm 2025 đang được xây dựng có nhiều đổi mới căn bản so với bản năm 2020, phản ánh đầy đủ xu hướng khoa học hiện đại và hài hòa các cam kết khí hậu toàn cầu. Trên cơ sở cập nhật bộ mô hình khí hậu thế hệ mới CMIP6 với độ phân giải cao hơn mô hình GCM và chi tiết hóa động lực (10 km), Kịch bản 2025 sử dụng ba kịch bản phát thải đại diện SSP1-2.6, SSP2-4.5 và SSP5-8.5, tương ứng với các kịch bản phát triển bền vững, trung bình và phát thải cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam trong cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận trong Kịch bản 2025 có bước chuyển mạnh từ mô tả định tính sang định lượng theo xác suất. Đặc biệt, phương pháp Monte Carlo lần đầu tiên được áp dụng trong xây dựng kịch bản nước biển dâng, cho phép mô phỏng phân phối xác suất của các mức dâng thay vì chỉ đưa ra giá trị trung bình hoặc cực trị như trước. Nhờ đó, Kịch bản có thể cung cấp các mức mực nước biển dâng tương ứng với các ngưỡng tin cậy (P5, P50, P95), hỗ trợ hiệu quả hơn cho đánh giá rủi ro và tổn thất do thiên tai ven biển.

    Mặt khác, ngoài các yếu tố nền như nhiệt độ, lượng mưa, Kịch bản BĐKH năm 2025 mở rộng các chỉ số khí hậu cực đoan, phục vụ công tác ứng phó và thích ứng như số ngày nắng nóng trên 350C, số đợt mưa lớn ngắn hạn, tần suất rét đậm rét hại, độ ẩm đất, chỉ số khô hạn, số đợt mưa kéo dài... Những chỉ số này được xây dựng trên bộ dữ liệu khí hậu lịch sử và tương lai, có độ phân giải cao quy mô quốc gia từ 10 - 15 km, khu vực từ  5 - 10 km, thành phố/tỉnh 3 - 5km, giúp mô phỏng sát hơn hiện tượng thời tiết cực đoan ở quy mô địa phương.

    Về hình thức công bố, Kịch bản 2025 tích hợp trên nền tảng số, thông qua WebGIS tương tác, giúp người dùng có thể trực tiếp tra cứu, tải dữ liệu và thực hiện phân tích sơ cấp. Dữ liệu mở theo vùng, theo ngành, giai đoaạn (mùa, năm, 5 năm) giúp tăng khả năng ứng dụng vào quy hoạch, xây dựng, nông nghiệp, y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu. Như vậy, đây không chỉ là bản cập nhật thông tin, mà là một bước tiến toàn diện về phương pháp, cách tiếp cận và công cụ triển khai, mang lại bức tranh khí hậu tương lai rõ ràng, linh hoạt hơn cho Việt Nam trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng về cường độ và tính bất định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

    Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự đã tập trung chia sẻ, bàn thảo về những vấn đề liên quan đến kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam; nguy cơ ngập do nước biển dâng; truyền thông kịch bản BĐKH cho các nhóm đổi tượng khác nhau... góp phần hoàn thiện Kịch bản BĐKH năm 2025 của Việt Nam, nhằm đảm bảo tính ứng dụng cao, phục vụ hiệu quả công tác ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý ở các cấp.

    TS. Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ NN&MT cho rằng, Kịch bản BĐKH là căn cứ khoa học quan trọng, có giá trị trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và lập kế hoạch cho các ngành, lĩnh vực cũng như địa phương. Trước bối cảnh thay đổi về cơ cấu tổ chức hành chính theo chính quyền địa phương 2 cấp, TS. Mai Kim Liên hy vọng Viện KHKTTV&BDDKH sẽ sớm hoàn thành Kịch bản BĐKH cập nhật để có thể công bố vào Quý 1/2026, phục vụ các ngành, địa phương trong giai đoạn tới.

    Giới thiệu một số phương pháp truyền thông hiệu quả nhằm truyền đạt thông tin khí hậu một cách phù hợp, dễ hiểu tới các nhóm đối tượng khác nhau, bà Rebecca Sawyer, Met Office cho biết, dữ liệu và thông tin về BĐKH có thể được chia sẻ dưới nhiều hình thức khác nhau như: Briefing note (bản ghi chú tóm tắt); Climate information packs (gói thông tin khí hậu); Sector-specific packs (gói thông tin theo từng lĩnh vực); Storylines (câu chuyện hóa thông tin khí hậu) - một hình thức kể chuyện dựa trên dữ liệu, giúp truyền tải tác động khí hậu theo bối cảnh thực tế, dễ tiếp cận hơn cho người dân và nhà hoạch định chính sách. Thông qua kết quả tham vấn, Cơ quan khí tượng Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam áp dụng nguyên tắc “đồng thiết kế - đồng sản xuất - đồng truyền đạt” thông tin khí hậu để truyền thông về kịch bản BĐKH trong tương lai. Đây là cách tiếp cận nhằm kết nối chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng người sử dụng, từ đó đảm bảo thông tin khí hậu được cung cấp phù hợp, dễ hiểu và có thể hành động được.

Gia Linh

Ý kiến của bạn