Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 21/02/2025

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ 2025 và chiến dịch truyền thông phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam

14/02/2025

    Ngày 13/2/2025, tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, VQG Ba Vì và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ 2025 và khởi động Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam”. Sự kiện tạo thông điệp có ý nghĩa, lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng người dân và các đoàn du khách về phong trào trồng cây để bảo vệ môi trường cho đất nước Việt Nam ngày càng xanh và tươi đẹp như lời Bác Hồ dạy.

    Sự kiện có sự tham gia của ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam; ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc VQG Ba Vì; ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Thibault Ledecq - Giám đốc Bảo tồn của WWF Việt Nam; đại diện của Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; đại diện một số tổ chức quốc tế về bảo tồn và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phát biểu khai mạc  tại Lễ phát động

    Phát biểu khai mạc Lễ phát động, ông Chu Ngọc Quân - Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết, năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Công ước CITES có hiệu lực và thực thi hiệu quả trên toàn cầu. CITES là công cụ quan trọng để kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã quốc tế với 185 quốc gia thành viên. Tham gia CITES từ 1994, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt đã ban hành Bộ luật Hình sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch bảo tồn voi đến năm 2025. Việt Nam là một trong số các quốc gia tích cực trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt liên quan đến các loài quý, hiếm như voi, hổ, tê giác, tê tê... Năm 2023 và năm 2024, các lực lượng chức năm đã bắt giữ hàng chục tấn ngà voi nhập khẩu trái pháp luật vào Việt Nam, các lô hàng này được trung chuyển qua nhiều quốc gia trước khi bị bắt giữ. Kể từ khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi năm 2017, nhiều đối tượng buôn bán trái pháp luật ngà voi bị truy tố, xét xử, trong đó có những đối tượng bị xử đến 12 năm tù, thể hiện sự nghiêm minh trong thực thi CITES và pháp luật.

    Mặc dù có nhiều thành tựu nêu trên nhưng Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do vị trí thuận lợi, thị trường động vật hoang dã, trong đó có ngà voi khu vực châu Á rộng lớn. Sau covid 19, hoạt động buôn bán quốc tế động vật hoang dã có chiều hướng diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực trong đó có hợp tác đa ngành trong thực thi, thực hiện các hoạt động giảm cầu, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực... Để hỗ trợ các hoạt động này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức cho khách du lịch về phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật tại Việt Nam” do WWF Việt Nam phối hợp với Cơ quan thẩm quyền CITES Việt Nam thực hiện, với mục tiêu nâng cao nhận thức của du khách về quy định pháp luật của Việt Nam đối hành vi mua bán, tiêu thụ, vận chuyển ngà voi trái phép tại Việt Nam; góp phần chấm dứt các hoạt động mua, bán, vận chuyển ngà voi trái phép khi đi du lịch tại Việt Nam và thực thi hiệu quả Công ước CITES và bảo tồn loài voi tại Việt Nam.

Ông Thibault Ledecq - Giám đốc Bảo tồn của WWF Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động

    Tiếp theo là phát biểu của ông Thibault Ledecq - Giám đốc Bảo tồn của WWF Việt Nam. Theo ông Thibault Ledecq, động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang ngày một suy giảm, trong đó loài voi đang ở tình trạng đáng báo động nhất và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Theo WWF, từ năm 2008 - 2018, mỗi năm ít nhất có tới 20.000 cá thể voi châu Phi đã bị giết để lấy ngà. Quần thể voi châu Phi ước tính đã giảm xuống từ 1.300.000 cá thể năm 1979 xuống còn 415.000 cá thể vào năm 2016. Đối với voi châu Á, theo ước tính chỉ còn khoảng 50.000 cá thể sinh sống ngoài tự nhiên. Nạn săn bắt voi trái phép là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm trầm trọng quần thể voi hoang dã ngoài tự nhiên. Với tốc độ này, loài voi có thể tuyệt chủng hoàn toàn chỉ trong tương lai không xa. Sự vắng bóng của voi đồng nghĩa với các chức năng khác của rừng cũng bị suy giảm và chu trình tái tạo, phát triển của rừng bị chậm lại. Với sứ mệnh ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường tự nhiên và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên, WWF tại Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam nỗ lực triệt phá nạn buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã nói chung, ngà voi nói riêng thông qua các chương trình và dự án. Chiến dịch truyền thông phòng chống buôn bán ngà voi trái pháp luật lần này hướng đến tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi của khách du lịch tới Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Dự án

    Sau Lễ phát động, các đại biểu đã tham gia trồng cây tại Cote 400 VQG Ba Vì. Tại đây, VQG đã chuẩn bị gần 500 cây các loại gồm các loài cây quý và cây bản địa có giá trị cảnh quan như bách xanh, thông tre, sau sau, sang, hoa ban để trồng nhằm bổ sung và làm phong phú thêm cho 2.181 loài thực vật đã có, đồng thời cũng góp phần phủ thêm màu xanh cho 9.702,41 ha rừng đặc dụng của VQG Ba Vì đang quản lý.

Các đại biểu tham gia trồng cây sau Lễ phát động

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn