30/10/2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
(Ảnh theo quochoi.vn)
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước. Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Đối với nội dung “Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 3)”, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tập trung vào các nội dung như: thống nhất quản lý về tài nguyên nước và có sự phân công, phân cấp; gắn bảo đảm an ninh nguồn nước với an ninh, chủ quyền quốc gia; quản lý tài nguyên nước tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông; điều hoà, phân phối hiệu quả tài nguyên nước.
Tiếp thu các ý kiến trên, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, khái niệm an ninh nguồn nước hiện đang được sử dụng thống nhất trên thế giới gồm 04 thành tố: (1) đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; (2) phát triển bền vững và ổn định chính trị được đẩy mạnh; (3) mỗi người đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý để có cuộc sống khỏe mạnh, sung túc; (4) các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước vào nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra tại khoản 1 Điều 3.
Đối với nội dung “bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III)”, có ý kiến đề nghị bổ sung một điều về bảo vệ nước mặt; ý kiến khác đề nghị tăng cường quản lý tài nguyên nước theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về bảo vệ nguồn nước mặt, trong đó có bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, đã được quy định riêng tại Điều 21. Đồng thời, đã bổ sung các quy định về quản lý tài nguyên nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể như: Bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy tại Điều 25; việc trám lấp giếng khi không còn sử dụng và không có kế hoạch tiếp tục sử dụng để bảo vệ nước dưới đất tại khoản 1 Điều 31; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Có ý kiến đề nghị xem xét cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các đối tượng khai thác riêng lẻ trong vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung. UBTVQH thấy rằng, dự thảo Luật chỉ quy định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục, có nguy cơ bị hạ thấp quá mức; khu vực đã xảy ra sụt lún hoặc có nguy cơ sụt, lún đất và khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Còn đối với những vùng đã có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất thì sẽ không hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các tổ chức, cá nhân khai thác riêng lẻ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Vì vậy, xin Quốc hội cho phép được giữ như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, có giải pháp phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quy định rõ hơn về cơ chế, chính sách tài chính, đặc biệt về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động phục hồi các dòng sông. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm và cơ chế tài chính cho hoạt động này; ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm và thể hiện như tại Điều 34, Điều 73 và Điều 74 dự thảo Luật.
Về nội dung “khai thác, sử dụng tài nguyên nước (mục 2 Chương IV)”, có ý kiến đề nghị tách hai chủ thể khai thác tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước để có quy định quản lý phù hợp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã tách riêng nội dung quy định về khai thác tài nguyên nước và sử dụng nước cho các mục đích khác nhau, được thể hiện như tại mục 2, Chương IV của dự thảo Luật. Cụ thể: Điều 41, Điều 42 quy định chung cho cả đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Điều 43 đến Điều 47 quy định riêng cho đối tượng chỉ khai thác tài nguyên nước và Điều 48, Điều 49 quy định cho đối tượng sử dụng nước.
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước bảo đảm minh bạch và làm cơ sở để hướng dẫn chi tiết trong nghị định. Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước… tại Điều 55 dự thảo Luật.
Bổ sung một điều riêng về tuần hoàn nước, tái sử dụng nước, trong đó đề cập đến các vấn đề về đối tượng bắt buộc áp dụng, hoạt động nào được tái sử dụng nước thải; cơ chế khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và các mục đích khác, UBTVQH thấy rằng, tuần hoàn, tái sử dụng nước thải là giải pháp hiệu quả trong sử dụng nước tiết kiệm, nhưng hiện nay chi phí tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cao gấp nhiều lần so với chi phí mua nước và chi phí xử lý nước thải. Trong điều kiện diễn biến bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu, yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước và nguy cơ từ sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước liên quốc gia, cần thiết phải đầu tư nghiên cứu, áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước để chủ động ứng phó với tình huống thiếu nước.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, thể hiện ở 03 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta: (1) Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 1 Điều 59; (2) Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước thải đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật tại khoản 5 Điều 59; và (3) Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải quy định tại khoản 4 Điều 59. Đồng thời, bổ sung quy định ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khoản 6 Điều 59 và khoản 3 Điều 73 dự thảo Luật…
Cùng với đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ và các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng để tránh chồng chéo về chức năng và phạm vi quản lý giữa các Bộ có liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong quản lý khai thác, sử dụng nước và thể hiện như Điều 79 dự thảo Luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật, tham gia nhiều ý kiến cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trình Quốc hội xem xét.
Mai Hương