Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Quản lý phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

20/07/2023

    Trong 3 ngày (11,14,18/7/2023), tại các tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam tổ chức chuỗi Hội thảo về tăng cường khả chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chuỗi Hội thảo nhằm thảo luận về những thách thức ở ba khu vực miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra các giải pháp tăng cường khả năng chống chịu của các tỉnh, thành phố (TP) trước tác động của BĐKH, giảm lượng phát thải khí nhà kính và BVMT.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo tại Quảng Trị

    Việt Nam đang trải qua một quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa đã tăng lên từ 30,5% năm 2010 tới 40% năm 2022. Trong vài thập kỷ qua, đất nước đã có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể, dẫn đến phát triển cơ sở hạ tầng, di dân đô thị và mở rộng các thành phố ngày càng tăng. Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề của phát triển đô thị có gắn với tính bền vững, bao gồm việc xây dựng các chính sách và hướng dẫn nhằm thúc đẩy quy hoạch và quản lý đô thị bền vững. Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng quy hoạch phát triển đô thị hướng tới các mục tiêu bền vững. Ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, quản lý lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

    TP. Sơn La, cũng giống như nhiều tỉnh/thành khác ở khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên chịu tác động của mưa lớn bất thường, lũ lụt, sạt lở đất, nhiệt độ cực đoan và các hiện tượng thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan và khó dự báo hơn do tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, quá trình phát triển và mở rộng không gian đô thị không đồng nhất, hệ thống hạ tầng đã xuống cấp và không đồng bộ cùng góp phần làm cho tình trạng lũ lụt, ngập úng thêm nghiêm trọng. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc cải thiện công tác quản lý rủi ro, quy hoạch và phát triển đô thị và cải thiện hệ thống hạ tầng theo hướng xanh, bền vững và có khả năng chống chịu.

    Khu vực ven biển miền Trung, bao gồm cả tỉnh Quảng Trị và TP. Đông Hà thường xuyên chịu tác động nặng nề của bão, lũ lụt, ngập lụt đô thị, hạn hán, sạt lở và xâm nhập mặn trong đó bão, lũ và ngập lụt đô thị là những hiểm họa gây tác động nhiều nhất đến các đô thị. Trong những năm qua, các hiểm họa thiên tai này có xu thế xuất hiện ngày càng cực đoan hơn. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa ở các tỉnh/thành miền Trung đã và đang diễn ra với tốc độ khá cao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch, thiết kế hạ tầng vẫn chưa thực sự tính đến các yếu tố rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là rủi ro ngập lụt và vì thế cần phải được cải thiện.

    Khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang, cũng giống như khu vực miền Bắc và miền Trung, các hiểm họa thiên tai cực đoan xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn và bất thường hơn. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, tình trạng ngập lụt tại vùng ĐBSCL còn chịu tác động của một số yếu tố khác như xây dựng đê bao ở thượng nguồn và sụt lún đất (do một số nguyên nhân như đô thị hóa, bê tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức).

    Phát biểu tại phiên Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Tường Văn cho biết, vùng Bắc Trung bộ có 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, vùng có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Bên cạnh những tiềm năng, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.

    Hiện nay, một số địa phương trong vùng đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa nhằm thúc đẩy sự phát triển các tỉnh, trong đó các đô thị là động lực của sự phát triển. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để các địa phương tập trung xây dựng những giải pháp cụ thể và huy động nguồn lực thực hiện.

    Theo Thứ trưởng, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.

    Chia sẻ tại Hội thảo “Quy hoạch và phát triển bền vững đô thị vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh,TP là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh, song đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và BĐKH, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

    Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, riêng đối với phát triển đô thị vùng ĐBSCL, Nghị quyết 06 cũng đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với BĐKH của các đô thị.

Toàn cảnh Hội thảo tại Quảng Trị

    Để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 06 và các Nghị quyết, Chiến lược liên quan, ba tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Hậu Giang đang nhận được tài trợ của AFD với các dự án: “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”, “Phát triển đô thị ven biển miền Trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị” và “Phát triển đô thị xanh thích ứng với BĐKH TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang”. Các dự án hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa có khả năng chống chịu thích ứng để đối phó với những thách thức của BĐKH, phát triển đô thị xanh, ngăn ngừa ô nhiễm đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế bền vững.

Châu Loan

 

Ý kiến của bạn