01/04/2024
Ngày 30/3/2024, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thực trạng, quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển bền vững (PTBV) nông nghiệp, kinh tế nông thôn (KTNT), nông dân gắn với chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, đô thị hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp quốc gia “PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH” (mã số KX.04.20/21-25) thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài KX.04.20/21-25 cho biết, trong gần 40 năm qua từ sau đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền kinh tế ngày càng phát triển, nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tiệm cận dần với các mục tiêu PTBV mà Liên hiệp quốc đã đề ra với sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp và khu vực KTNT. Tuy nhiên, dưới tác động của các xu hướng mới như CĐS, đô thị hóa và thích ứng BĐKH, việc thực hiện mục tiêu PTBV của nông nghiệp, KTNT, nông dân nước ta đang gặp phải những thách thức không nhỏ. Trên cơ sở đó, GS.TS. Trần Đức Viên nhấn mạnh, Hội thảo là tạo diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong và ngoài Học viện Nông nghiệp trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng PTBV của nông nghiệp, KTNT và nông dân nước ta ở 3 góc độ: Bền vững về kinh tế; bền vững về xã hội và bền vững về môi trường dưới tác động của các xu hướng: Toàn cầu hóa, CĐS, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH; đồng thời, thảo luận, tạo điều kiện để các thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ xin ý kiến các chuyên gia nhằm tìm ra nút thắt trong quá trình triển khai các quan điểm, chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH... từ đó đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp mới cho PTBV nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hoá và thích ứng với BĐKH thời gian tới.
Toàn cảnh Hội thảo
Giới thiệu về mục đích và Chương trình Hội thảo, TS. Cao Đức Phát, Phó Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững và ổn định chính trị. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn. Nhiều chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai thực hiện, làm thay đổi căn bản diện mạo của nông thôn, của ngành nông nghiệp và nâng cao điều kiện sống cũng như năng lực của người nông dân trong phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô,trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với BĐKH....
Tuy nhiên, TS. Cao Đức Phát cũng chỉ ra rằng, nông nghiệp nước ta hiện nay phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, giá trị gia tăng thu được chưa cao, nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức. Do vậy, cần thiết phải tiếp tục nhìn nhận, đánh giá các vấn đề liên quan đến “Tam nông” trong các bối cảnh thay đổi, tìm ra những hướng đi mới với giải pháp mang tầm vóc quốc gia, chiến lược để tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, KTNT và nông dân, nhất là trong bối cảnh CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH như hiện nay.
Hội thảo đã lắng nghe tham luận về: Thực trạng PTBV nông nghiệp, KTNT và nông dân gắn với CĐS quốc gia; Quan điểm, định hướng, giải pháp cho PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH thời gian tới; Thực trạng PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân Việt Nam gắn với đô thị hóa; Quy hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển nông dân gắn với thích ứng với BĐKH; Chính sách phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH; Định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh trong bối cảnh BĐKH… Trong các phiên thảo luận mở, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh một số nội dung chính: Rào cản và giải pháp trong PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với CĐS quốc gia; Rào cản và giải pháp trong PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với đô thị hóa; Quan điểm, định hướng, giải pháp PTBV nông nghiệp, KTNT và nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH trong thời gian tới… Theo đó, hiện nay, quan niệm về CĐS trong nông nghiệp chưa nhất quán, song có thể hiểu CĐS trong nông nghiệp là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. CĐS sẽ mang lại lợi ích vượt trội và là tác nhân góp phần quan trọng vào PTBV ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do BĐKH gây ra; giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn, tạo dựng môi trường, sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mà mục đích cuối cùng là nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, CĐS góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch …), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trên cơ sở đó, các đại biểu cho rằng, dù bức tranh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, song trước những thách thức trong quá trình đô thị hóa, BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có hệ thống chính sách, giải pháp mang tính đồng bộ. Đặc biệt, hiện tại Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án CĐS của ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số, nhằm đạt mục tiêu triển khai CĐS nông nghiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, chủ thể CĐS được xác định bao gồm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Vì vậy, để đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp phù hợp nhằm PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa và thích ứng với BĐKH trong thời gian tới, theo các đại biểu, cần làm rõ khái niệm về PTBV nông nghiệp, KTNT và nông dân; Đánh giá thực trạng phát triển ngành nông nghiệp hiện nay dựa trên 4 khía cạnh: Kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi động vật; Quan điểm về Chính sách “Tam nông, trong đó cần quan tâm đầy đủ, toàn diện và đứng mức về vai trò, vị trí của người nông dân trong phát triển ngành nông nghiệp (địa vị chính trị, thân phận xã hội, vai trò kinh tế)… Từ đó đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả cho tất cả các giải pháp thích ứng.
Phát biểu Kết luận Hội thảo, GS. TS. Trần Đức Viên nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, BĐKH, dịch bệnh và nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì CĐS trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho PTBV ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các bài tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá thực trạng, từ đó đưa ra quan điểm, định hướng, giải pháp phù hợp, nhằm PTBV nông nghiệp, KTNT, nông dân gắn với CĐS quốc gia, đô thị hóa, thích ứng với BĐKH tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thu Hằng