26/10/2023
Ngày 23/10/2023, tại Nhà Quốc hội, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra với tổng thời gian làm việc là 22 ngày, từ ngày 23/10 - 28/11/2023 và được tiến hành theo 2 đợt (Đợt 1 từ ngày 23/10 - 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20 - 28/11/2023).
Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh theo kiemsat.vn)
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi). Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 08 dự án luật khác, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Để chuẩn bị các nội dung về công tác lập pháp, nhất là các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động, lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đối với các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đều yêu cầu Chính phủ có ý kiến bằng văn bản và đánh giá kỹ tác động trước khi đưa vào dự thảo luật.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể.
Tuy nhiên, hiện dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn 02 phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các nội dung có thiết kế 02 phương án, đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
An Bình