22/03/2024
Ngày 22/3/2024, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối tới các điểm cầu tại Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tham dự và chủ trì buổi Lễ.
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)” và Chiến dịch giờ Trái đất “Giảm dấu chân các-bon - Hướng tới Net Zero” năm 2024 có sự gắn kết chặt chẽ, tác động hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, Thứ trưởng kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động vì khí hậu, tập trung vào tầm quan trọng của tài nguyên nước (TTN) đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới; tăng cường năng lực, chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng cộng nghệ cao trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; lan toả sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại trong hành trình hướng tới NetZero.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Lễ phát động
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Việt Nam được biết đến là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú. Trong bối cảnh dân số toàn cầu gia tăng, đô thị hóa và suy thoái môi trường, BĐKH đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, làm mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn TTN. Mới đây, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật TTN năm 2023 . Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị TTN và bảo đảm TTN được quản lý. Luật TTN năm 2023 đã bám sát mục đích, yêu cầu và thể chế hóa đầy đủ 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế TTN và bảo vệ TTN, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó BĐKH. Đặc biệt để tăng cường mục tiêu phát triển bền vững dưới vai trò là đại diện của Việt Nam tại WMO khu vực châu Á, Việt Nam đã xây dựng và luôn thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với BĐKH, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực BĐKH, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 28 vừa qua, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bằng những cam kết hành động mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”, một lần nữa khẳng định khát vọng và tầm nhìn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực, chung tay hành động vì khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững. Trong đó, tập trung rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật TTN năm 2023, Quy hoạch TTN quốc gia và các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững TTN.
Toàn cảnh buổi Lễ
Các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, nói không với tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng...); tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các ngành, các cấp huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, TTN, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai và BĐKH; tăng cường các giải pháp xanh, dự án năng lượng tái tạo đối với vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP; phối hợp liên ngành và địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực ODA trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; tăng cường triển khai công tác hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đánh giá tổng thể tiến độ giảm phát thải khí nhà kính; tập trung nghiên cứu tham mưu và phát triển thị trường các-bon, ứng phó với BĐKH gắn với phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho rằng, ngày nay nhân loại đều đang phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần suất ngày một lớn. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn TTN ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, nếu không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước ngọt thì xung đột có thể xảy ra giữa các cộng đồng, địa phương, thậm chí các quốc gia. Vì vậy, để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là chúng ta cần chung tay hành động, đóng góp, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người trên khắp thế giới.
Là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới về bảo tồn thiên nhiên, thời gian qua, WWF đã cam kết đồng hành cùng với Chính phủ, Bộ TN&MT trong các nỗ lực nhằm giải quyết 3 thách thức lớn nhất toàn cầu liên quan đến môi trường hiện nay đó là: BĐKH, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Nhân dịp này, thay mặt cho Tổ chức WWF, ông Văn Ngọc Thịnh tái khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ, hợp tác thực hiện các cam kết quốc tế nhằm đạt được mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15; hợp tác để thúc đẩy vai trò tiên phong trong các nỗ lực và sáng kiến toàn cầu và khu vực về bảo tồn nguồn nước…
Cũng tại Lễ phát động, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý TTN, Bộ TN&MT đã giới thiệu về những điểm mới của Luật TTN năm 2023. Theo đó, Luật TTN gồm 10 Chương, 86 Điều, được xây dựng tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế TTN; bảo vệ TTN, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác…
Gia Linh