22/05/2025
Ngày 22/5/2025, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 với chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”.
Chủ đề này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu; kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện song song các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Tới dự Lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam; và đại diện các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương; đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn và các cộng đồng địa phương...
Thiên nhiên là nền tảng cho sự phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh: Thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống và cơ sở cho sự phát triển bền vững của con người trên Trái đất. Bảo tồn đa dạng sinh học đồng nghĩa với bảo vệ tương lai của nhân loại. Đứng trước tốc độ suy thoái nghiêm trọng của thiên nhiên và đa dạng sinh học, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và thể hiện quyết tâm ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững của hành tinh.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen hoang dã... có giá trị, tầm quan trọng quốc gia, quốc tế tập trung ở các hệ sinh thái rừng, núi đá vôi, đất ngập nước, san hô, cỏ biển, nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều tiến bộ trong thời gian vừa qua. Hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng và củng cố với 178 khu bảo tồn thiên nhiên phân bố rộng khắp trên cả nước, bao gồm rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và đất ngập nước, trong đó nhiều khu đã được quốc tế công nhận có tầm quan trọng quốc tế: 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar), 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 12 vườn di sản ASEAN; các chương trình bảo tồn loài, nguồn gen cũng đã được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu.
Tuy nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Những tổn thất này là không thể đảo ngược nếu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không hành động kịp thời và kiên quyết, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học chính là thời điểm thích hợp để khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm quốc gia khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì một tương lai xanh – hòa bình – thịnh vượng. Để đạt được điều này, bên cạnh phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội – từ chính quyền các cấp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng người dân.
Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Tại Lễ kỷ niệm, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam đánh giá cao những giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Patrick Haverman cho rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang chịu áp lực ngày càng tăng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một phần ba số loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây không chỉ là mối quan tâm của quốc gia - mà nó phản ánh một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Mất đa dạng sinh học đe dọa đến các yếu tố nền tảng quan trọng của nền kinh tế, an ninh lương thực và sức khỏe của con người. Việc cộng đồng quốc tế thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) đã đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực chung của nhân loại. Với 23 mục tiêu đầy tham vọng cần đạt được vào năm 2030, bao gồm các mục tiêu về bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) cho thấy một tầm nhìn và lộ trình rõ ràng.
Hiện nay, đa dạng sinh học không phải là một yếu tố rào cản, mà là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững. Việc tích hợp bảo tồn đa dạng sinh học vào các quy hoạch phát triển quốc gia và ngành, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng là điều cần thiết. Khi thiên nhiên được coi trọng và bảo vệ ngay từ đầu trong công tác quy hoạch phát triển, thì sẽ giảm thiểu các rủi ro và chi phí trong tương lai. Vì vậy, UNDP cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc phát triển các chính sách và hệ thống phù hợp về đánh giá và giám sát các dịch vụ hệ sinh thái, để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế không phải trả giá bằng sự suy thoái các nguồn vốn tự nhiên, ông Patrick Haverman khẳng định.
Ninh Bình dẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Luật Đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ môi trường,... Trong thời gian qua, Ninh Bình đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với nội dung bảo tồn đa dạng sinh học, thể hiện trong Chương trình Phát triển bền vững - Nghị sự 21 của Ninh Bình, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường, bảo vệ các loài chim hoang dã và nhiều kế hoạch thực hiện cụ thể khác. Các chương trình, kế hoạch này đã được đẩy mạnh thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Độ che phủ rừng ngày càng gia tăng và tới năm 2025, độ che phủ của rừng bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng tăng lên tới 19,3 % với cơ cấu rừng hợp lý hơn, phân bố trên các vùng sinh thái trong cả tỉnh bao gồm VQG Cúc Phương, vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.
Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về bảo tồn đa dạng sinh học được nâng lên. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, do đó mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đa dạng sinh học được hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động săn bắt trái phép động vật hoang dã, chặt phá rừng được các ngành có liên quan đặc biệt chú trọng; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về đa dạng sinh học kiên quyết hơn; Công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các dự án và hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học được trú trọng; nhiều mô hình phát triển du lịch kết hợp với dịch vụ sinh thái được phát triển tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Ninh Bình.
Tuy có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học trong thời gian vừa qua, nhưng qua một số nghiên cứu, đánh giá gần đây cho thấy đa dạng sinh học của Ninh Bình đang đứng trước nhiều thách thức. Tổng số các loại động-thực vật hoang dã trong thiên nhiên, một số loài sinh vật quý hiếm đang có nguy cơ bị giảm sút về số lượng; ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng ở một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề… Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, việc tiêu dùng thiếu bền vững, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần còn phổ biến. Những tồn tại trên, đòi hỏi phải có sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh Ninh Bình.
Cần sự chung tay hành động của toàn xã hội
Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển sinh kế xanh, du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.
Hai là, tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, hướng đến mục tiêu phục hồi và đảm bảo tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, bền vững.
Ba là, thúc đẩy khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát và phục hồi hệ sinh thái, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu số về đa dạng sinh học quốc gia; thúc đẩy nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rạn san hô, rừng đầu nguồn; hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ứng dụng công nghệ trong quản lý, theo dõi động thực vật quý hiếm.
Bốn là, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút, gia tăng tối đa các nguồn hỗ trợ và đầu tư về tài chính cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ nguồn gen và phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Năm là, tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học, lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ thống trường học... Kịp thời phát hiện, đề xuất và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Các hoạt động nổi bật hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học
Sau Lễ kỷ niệm quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức một chuỗi các hoạt động nổi bật nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025. Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, các đại biểu đã thực hiện tái thả 8 cá thể gà lôi trắng được nhân nuôi sinh sản bảo tồn về với tự nhiên. Đây là hoạt động vô cùng nghĩa nhằm lan tỏa thông điệp bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Các đại biểu tái thả 8 cá thể gà lôi trắng được nhân nuôi sinh sản bảo tồn về với tự nhiên.
Bên cạnh đó, Hội thảo "Thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững" được tổ chức. Hội thảo là diễn đàn để Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các đối tác, các Ban quản lý khu bảo tồn và các bên liên quan cùng trao đổi, cập nhật các kết quả của Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học, và các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; những sáng kiến, nỗ lực của các tổ chức quốc tế, các Ban Quản lý vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học trước các thách thức ngày càng lớn gây suy thoái đa dạng sinh học, từ đó, đóng góp vào việc đạt được các tiến bộ trong triển khai mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và Chiến lược quốc gia.
Song song với đó là Triển lãm ảnh về đa dạng sinh học và các chiến dịch truyền thông nhằm lan tỏa vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học đối với phát triển bền vững, lan tỏa thông điệp “Sống hài hòa với thiên nhiên”.
Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh
Nguyễn Hằng