27/07/2023
Ngày 26/7/2023, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của ngành TN&MT. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chủ trì, cùng tham dự có các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn
Tại Hội nghị, Báo cáo kết quả sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thực hiện theo phương châm điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, toàn Ngành TN&MT đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời phản ứng với các chính sách để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh có liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành… Trong đó, chú trọng đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; lập và triển khai công tác quy hoạch; tiếp tục đề xuất giải pháp, khơi thông điểm nghẽn, nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cụ thể, về tổng kết thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật quản lý TN&MT, ngành đã và đang tích cực tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; tổ chức triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2) và Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV; đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đặc biệt, toàn ngành đã tổ chức thành công việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện tuyên truyền, giới thiệu các nội dung mới, quan trọng của Dự thảo Luật đến mọi người dân, tổ chức. Kết thúc quá trình lấy ý kiến, Dự thảo Luật đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi của cả nước.
Với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sơ, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, trình ban hành các Nghị đinh: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2012/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP. Đồng thời với quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đang chỉ đạo xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Tại địa phương, UBND các tỉnh cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo lập hệ thống pháp luật về TN&MT ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống…
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đã quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên đáp ứng yêu cầu phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế như: Phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; Tập trung triển khai các chủ trương, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước; Phát huy vai trò nguồn lực khoáng sản, đáp ứng nguồn cung về nguyên vật liệu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; Hoàn thiện thể chế quản lý tổng hợp về biển và hải đảo; Tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về BVMT; Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thiên tai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với BĐKH; Thực hiện nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; Tập trung hiện đại hóa công tác quản lý dữ liệu thông tin địa lý quốc gia; Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường.
Đối với công tác thanh, kiểm tra, toàn ngành đã tiến hành 350 cuộc thanh tra, kiểm tra, đối với 773 tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 73 tổ chức, cá nhân gần 54 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước gần 06 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi khoảng 5.600 ha đất.
Nhiều kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW
Trình bày Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, triển khai nhiệm vụ chủ trì, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ TN&MT đã tiến hành tổng kết, đánh giá từ các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương trên cả nước. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết được tổng hợp từ báo cáo của 30 đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, 59/63 Tỉnh ủy, Thành ủy trong lĩnh vực TN&MT và kết quả tham vấn các bên liên quan.
Về thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2023, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 6 Luật, gồm: Luật Đất đai năm 2013; Luật BVMT năm 2014, năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường Biển và Hải đảo năm 2015; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015; Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Hiện nay đang tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Khoáng sản 2010. Bộ cũng đã trình Quốc hội ban hành 4 Nghị quyết; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 Nghị quyết; Trình Chính phủ ban hành 105 Nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 38 Quyết định và 39 chỉ thị. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành 506 Thông tư, 138 Thông tư liên tịch, 39 Chỉ thị, 3 Nghị quyết và 149 quyết định liên tịch để phục vụ công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, về cơ bản, công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT đã được quan tâm, chú trọng hơn. Đảng đã tiếp tục ban hành 5 Nghị quyết có liên quan đến lĩnh vực TN&MT; Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại. Nội dung ứng phó với BĐKH được luật hóa từ năm 2014 và tiếp tục hoàn thiện trong Luật BVMT năm 2020. Công tác ứng phó BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, các bon thấp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, dựa trên các kết quả đánh giá, đặc biệt là phân tích ưu điểm, tồn tại và nguyên nhân, cần đề xuất được các nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Sắp tới, sẽ có 3 hội thảo chuyên đề Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW về BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, cùng với 3 hội nghị Vùng được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tham gia trao đổi, thảo luận, tiếp thu phản biện để xây dựng báo cáo của ngành TN&MT; xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trình Bộ Chính trị trước ngày 1/10/2023, trong đó đưa ra các đề xuất phù hợp với bối cảnh mới và đường lối chủ trương của Đảng về phát triển nhanh, bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển, công bằng xã hội, BVMT, chủ động ứng phó với BĐKH.
Hội nghị cũng lắng nghe các báo cáo tham luận của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Vụ Môi trường; các Sở Tài TN&MT TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản…; phương hướng phối hợp triển khai trong thời gian tới giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở.
Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa Trung ương và địa phương, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả ngành TN&MT đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ về khối lượng công việc của ngành từ Bộ đến các Sở địa phương trong thời gian tới là rất lớn với nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, như: Hoàn thiện thể chế chính sách, trong đó tập trung nguồn lực tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các Sở TN&MT địa phương hỗ trợ Bộ đóng góp các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2023); hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng chịu tác động.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ các Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về đất đai, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn. Xây dựng, hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); tiếp tục bám sát thực tiễn để sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp luật chưa phù hợp. Ngoài ra, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành, trong đó, tập trung tối đa nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị của Bộ phối hợp với các Sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về TN&MT; Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong đó tập trung thực hiện những nội dung về quản lý, sử dụng đất đai; Cấp phép hoạt động khoáng sản; Chấp hành nghiêm pháp luật về BVMT và tài nguyên nước; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra... Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có nhiệm vụ chỉ đạo, xử lý dứt điểm các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, điểm nóng tại địa phương theo thẩm quyền…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW
Nhấn mạnh về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, Bộ trưởng cho rằng, Sở TN&MT các tỉnh chính là là “cánh tay nối dài” của Bộ, do đó cần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ với các Sở địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Về nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, trong bối cảnh BĐKH đang diễn biến phức tạp, cần phát huy trí tuệ chung của toàn ngành, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, những kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương để tham mưu cho Chính phủ, Trung ương những quyết sách mới để nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất; huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT - Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trao Bằng khen cho 18 tập thể và 9 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Bảo Bình