11/04/2024
Ngày 11/4/2024, tại Hà Nội, Hội thảo Doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã được tổ chức bởi Bộ TN&MT, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: tại COP 26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng “0”, đồng thời, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), cam kết thu hút các dòng tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, phát triển các-bon thấp. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thực hiện mục tiêu trên bằng nhiều hành động thiết thực như: quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường BAU với sự hỗ trợ của quốc tế vào năm 2030; triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, thực hiện kế hoạch JETP. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang quyết liệt thực hiện Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải khí nhà kính” với nhiều chính sách ngày càng được hoàn thiện hơn.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh tiếp nối những cam kết đổi mới của cộng đồng toàn cầu với Thỏa thuận Paris tại COP 28, theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.
Bên cạnh đó, ông Huy cũng chia sẻ, xây dựng và vận hành các nhóm công tác về Chuyển đổi xanh, ESG, tài chính xanh là một trong những ưu tiên hành động của VBCSD-VCCI trong thời gian tới. Từ đó, tạo nền tảng để nhân rộng các mô hình kinh doanh bền vững, đồng thời, đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Bùi Khánh Nguyên, Phó TGĐ Đối ngoại, Truyền thông và PTBV, Công ty Coca Cola Việt Nam trình bày các mục tiêu khí hậu của doanh nghiệp
Tại Hội thảo, các diễn giả đại diện của Công ty Coca-Cola Việt Nam, VinBus, Daikin Việt Nam, Insee Việt Nam đã đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính liên tục được hoàn thiện phù hợp với bối cảnh trong nước và tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức sôi động. Đồng thời, chia sẻ những nỗ lực trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể.
Quang cảnh Hội thảo doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050
Chuyển đổi xanh mô hình kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội tham gia thị trường các-bon, đổi mới về công nghệ sản xuất, kinh doanh phát thải thấp, tăng tính cạnh tranh, huy động được nguồn vốn, tạo ra các lợi thế mới… Bên cạnh những cơ hội mới tiềm năng, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ việc thiếu nguồn vốn.
Trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử các - bon, hướng giảm phát thải ròng bằng “0”. “Do đó, để xây dựng nguồn lực khổng lồ như vậy rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các bộ/ngành và định chế tài chính quốc tế, đặc biệt của các doanh nghiệp”, ông Quang nhấn mạnh.
Trước hiện trạng nhiều biến động xảy ra liên tiếp trên toàn cầu, biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn mà mang tính bắt buộc tất yếu, hiện tại các quốc gia không còn thời gian để chậm trễ mà cần phải hành động sớm nhất có thể để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Chính vì lẽ đó, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, đồng hành của các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư… nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn từ việc khai thông, dẫn dòng tài chính xanh.
Ông Fukuda Koji, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC cho rằng, bất kỳ sản phẩm, dịch vụ tài chính nào cũng có thể giúp các lĩnh vực khó giảm phát thải thực hiện các biện pháp dài hạn hơn để trung hòa các-bon theo thời gian (như cải tiến những tài sản hiện có, công nghệ mới). Ông Fukuda Koji cho biết thêm, các tổ chức tài chính đang cung cấp các khoản vay xanh nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam, đặc biệt ưu tiên các ngành phát thải các - bon cao như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…
Ngoài ra, đại diện JICA cũng bày tỏ sự ấn tượng với những nỗ lực thực tế của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính được chia sẻ tại Hội thảo, đồng thời, khẳng định JICA sẽ tiếp tục hợp chắc chẽ với Chính phủ cũng như khu vực tư nhân để tăng cường hiệu quả hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Phùng Quyên - An Bình