24/08/2023
Ngày 23/8/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (PTBV) Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Tham dự và chỉ đạo Diễn đàn có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; VCCI, VBCSD; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Thế giới (WBCSD); các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp…
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên toàn thể tại Diễn đàn
Diễn đàn được tổ chức với 2 Phiên chuyên đề (buổi sáng và Phiên toàn thể vào buổi chiều) tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) trong doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh…
Tháng 9/2023, Hội nghị thượng đỉnh PTBV của Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại New York, Mỹ, để rà soát lại một nửa chặng đường đã qua trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng tốc hành động hướng tới 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tại cột mốc này, có thể thấy, thế giới vẫn đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị…. Đặc biệt, sự suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu tạo ra những sức ép nặng nề cho nhân loại. Vì vậy, giải quyết được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu sẽ đóng góp vào việc đảm bảo tương lai bền vững. Từ góc độ này, các mô hình kinh doanh “vị” tự nhiên - kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường là một trong những giải pháp tối ưu nhất cho mục tiêu PTBV doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào sự thịnh vượng, phồn vinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn VCSF 2023.
Phiên chuyên đề buổi sáng tập trung vào chủ đề “Thúc đẩy sáng kiến vị tự nhiên hướng tới nền kinh tế các bon thấp”. Phát biểu tại Phiên này, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV Việt Nam lần thứ 10 là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận và đưa ra những sáng kiến quan trọng, nhằm định hình một tương lai thịnh vượng cho doanh nghiệp và đất nước. Chín kỳ VCSF diễn ra trước đó với hơn 20 các chủ đề đương đại, các thách thức cũng như các ý tưởng kinh doanh đã được VBCSD cùng các đối tác trong nước, quốc tế, doanh nghiệp kiến nghị và triển khai nhân rộng thành công.
Phiên toàn thể buổi chiều tập trung vào nội dung: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh”. Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: PTBV phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường. Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu PTBV hiện nay.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi xanh, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, trong quá trình phát triển, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp phát triển bền vững. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định: VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Diễn đàn VCSF năm nay là năm thứ 10 được VCCI chủ trì tổ chức. Trải qua một thập kỷ với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, Diễn đàn luôn là dịp để Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về những xu thế, định hướng, chiến lược hướng tới phát triển bền vững đất nước. Doanh nghiệp sẽ được chia sẻ những khó khăn, thách thức, những sáng kiến về sản xuất, kinh doanh bền vững… để cùng nhau đề ra những mục tiêu trong giai đoạn kế tiếp.
Tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT… đã báo cáo về các nội dung: “Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”, “Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030: Thách thức và cơ hội” và “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Các công cụ chính sách hiện nay, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới và khuyến nghị cho doanh nghiệp”…
Từ phía các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Seychelles cũng phân tích cập nhật, thông lệ quốc tế và các khuyến nghị để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới nền kinh tế cácbon thấp và phát triển mô hình kinh tế biển xanh để tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế đi kèm với bảo vệ tài nguyên biển…
Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiên kinh tế tuần hoàn (KTTH), ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT đề xuất: Khuyến khích toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Khuyến khích các Hiệp hội ngành nghề tham gia tư vấn, đánh giá và hỗ trợ thực hiện KTTH; Phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; Phát triển các mô hình Khu công nghiệp sinh thái; Mở rộng liên kết doanh nghiệp…
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi kép trong doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam (NVL), đồng Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy PTBV thông qua đổi mới sáng tạo, tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, qua đó đưa ra những khuyến nghị thiết thực, khả thi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo triển khai. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và PTBV là hai yếu tố cần song hành để đạt được các mục tiêu kinh doanh đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội…
Với sự tham gia đông đảo của các diễn giả đến từ các doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh doanh bền vững tại Việt Nam, Diễn đàn đã lan tỏa các sáng kiến hay, thông lệ tốt, đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp; tăng cường chuỗi cung ứng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch; nâng cao hiệu quả thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới các mục tiêu PTBV… Các kiến nghị này, sẽ được VBCSD-VCCI tập hợp và báo cáo lên Chính phủ, nhằm hoạch định các chính sách mới tạo thuận lợi cho PTBV doanh nghiệp.
Châu Loan