25/04/2024
Ngày 24/4/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024 cho báo cáo viên Trung ương toàn quốc. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy định hướng công tác tuyên truyền
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân thông tin chuyên đề “Những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024”. Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, BVMT của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Cụ thể, Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy định về người sử dụng đất được sửa đổi, bổ sung để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư; không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân thông tin chuyên đề tại Hội nghị
Luật cũng kế thừa phân loại đất theo Luật Đất đai 2013, bổ sung đất chăn nuôi tập trung vào nhóm đất nông nghiệp, bổ sung đất công trình cấp nước, thoát nước, đất công trình phòng, chống thiên tai, đất công nghệ thông tin, cơ sở lưu trữ tro cốt, đất chợ đầu mối trong nhóm đất phi nông nghiệp. Luật kế thừa, hoàn thiện các quy định về các nguyên tắc sử dụng đất, bổ sung nguyên tắc bảo vệ đất, thích ứng với biến đổi khí hậu; quy định trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất quản lý; bổ sung các quy định khuyến khích việc sử dụng đất đai có hiệu quả, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất. Bổ sung nghiêm cấm đối với hành vi vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai...
Đặc biệt, Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất (gồm 4 Điều, từ Điều 112 đến Điều 115) là chương mới hoàn toàn so với Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định, việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chương này đã quy định cụ thể nguồn hình thành quỹ đất. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập để tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác quỹ đất quỹ đất này. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, bảo vệ, chống lấn đất, chiếm đất.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Riêng 2 Điều là Điều 190 về hoạt động lấn biển và Điều 248 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp đã có hiệu lực sớm từ ngày 1/4/2024. Bên cạnh đó, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng, cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Khoản 9 Điều 60 Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực. Do đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các địa phương cần chỉ đạo cơ quan tham mưu của tỉnh/thành phố bắt tay thực hiện ngay việc xây dựng các chính sách này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật và các văn bản dưới luật ngay khi có hiệu lực.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về Luật Đất đai năm 2024, nhất là những điểm mới quan trọng của Luật, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao triển khai chính sách pháp luật đất đai trong thực tiễn. Trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng yêu cầu đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm như: Nhiệm vụ công tác tư tưởng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1/5/1904 - 1/5/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024)…
Hương Mai