15/08/2024
Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng nắm bắt được các quy định về kiểm kê cũng như trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK); có khả năng thực thi bước đầu các yêu cầu kỹ thuật mới theo luật pháp trong nước và quốc tế, ngày 15/8/2024, tại Hải Phòng, Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) - Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia, Viện Chiến lược và công nghệ Logistics (VLIST), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng (HPSME) và Tạp chí Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh Net zero, trung hòa các-bon, tín chỉ các-bon và kiểm kê KNK”.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường TS. Nguyễn Trung Thắng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), gần 200 quốc gia đã đồng thuận thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận đặt ra mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ 21 ở mức dưới 2oC, theo đuổi nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng dưới 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Thỏa thuận yêu cầu tất cả các nước xây dựng, công bố và thực hiện cam kết giảm phát thải KNK trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Đến nay, sau hơn 8 năm kể từ ngày Thỏa thuận Paris được thông qua, mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực trong việc thực hiện trách nhiệm chung toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên tiến trình đạt mục tiêu của Thỏa thuận đang gặp nhiều thách thức. Là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia giảm phát thải KNK. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm còn 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020, ngăn chặn triệt để nạn phá rừng vào năm 2030.
Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã ban hành quy định trách nhiệm phát thải KNK đối với các Bộ, ngành và doanh nghiệp gồm: (1) Trách nhiệm phải thực hiện kiểm kê KNK; (2) Trách nhiệm phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải KNK; (3) Trách nhiệm phải xây dựng và vận hành thị trường các-bon. Hiện nay, thị trường các-bon đang được xây dựng và vận hành theo 3 giai đoạn: Đến cuối năm 2024, hoàn thiện hành lang pháp lý và sàn giao dịch thị trường các-bon; Từ năm 2025-2027, thực hiện thí điểm vận hành thị trường các-bon; Từ năm 2028, chính thức đi vào vận hành thị trường các-bon trong nước. Các văn bản trên là hành lang pháp lý quan trọng, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn hoạt động kiểm kê và xây dựng thực hiện kế hoạch giảm phát thải KNK.
Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp Trần Quốc Dũng chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) Trần Quốc Dũng cho rằng, để giảm phát thải KNK, hướng tới trung hòa các-bon và Net zero có rất nhiều việc phải làm như chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng... nhưng một trong những việc đầu tiên là phải kiểm kê KNK toàn diện, đầy đủ, chính xác. Đây là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo độ tin cậy, sự công bằng, làm cơ sở cho việc tham gia vào các cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon. Hiện nay, trên thế giới đã có các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm kê KNK như bộ tiêu chuẩn ISO 14064 hoặc tiêu chuẩn ISO 14067 về định lượng vết các-bon, ISO 14068 về trung hòa các-bon. Việc áp dụng các tiêu chuẩn như vậy sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính chính xác cho các báo cáo phát thải, báo cáo giảm nhẹ phát thải, báo cáo định lượng vết các-bon... do tiêu chuẩn này bao quát tất cả các nguồn phát thải trực tiếp và gián tiếp.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Về các cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê và giảm phát thải, Chuyên gia đánh giá trưởng - Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) Nguyễn Tuấn Cường cho biết, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục 1.902 cơ sở phát thải KNK lớn (từ 3.000 tấn CO2tđ trở lên, tiêu thụ 1.000 TOE trở lên), thuộc 4 ngành, lĩnh vực (Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường) phải thực hiện kiểm kê và giảm phát thải KNK. Trong đó, TP. Hải Phòng có một số cơ sở phải thực hiện kiểm kê như Xi măng Chinfon tiêu thụ năng lượng 303.868 TOE; Xi măng Hải Phòng tiêu thụ 141.449 TOE; Công ty Cổ phần nhiệt điện Hải Phòng tiêu thụ 1.717.503 TOE…
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về kinh nghiệm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm kê KNK, trung hòa các-bon; các phương pháp trung hòa các-bon đã và đang được triển khai; những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp trong thực hiện kiểm kê KNK... Qua đó giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng hiểu được yêu cầu và thực tiễn về chuyển đổi xanh, Net zero, trung hòa các-bon, tín chỉ các-bon và kiểm kê KNK. Hội thảo cũng thảo luận sâu rộng các nội dung liên quan đến công nghệ quan trắc, giám sát và kiểm kê KNK, từ đó mang đến cái nhìn toàn diện về tình hình phát thải trong các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mai Hương