Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được triển khai trên thực tế thông qua quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia

06/07/2023

    Chiều ngày 3/7/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chủ trì cuộc họp của Hội đồng với một số Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia...

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: TTXVN)

    Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được xây dựng trên quan điểm lấy con người là trung tâm, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Quy hoạch đặt mục tiêu nhằm chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc. Quy hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể về xác lập và quản lý: 256 khu bảo tồn thiên nhiên (khoảng 6,7 triệu ha); 21 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn giai đoạn 2021-2025; 13 hành lang đa dạng sinh học trên cả nước (hơn 1,55 triệu ha); 41 khu vực đa dạng sinh học cao (gần 3 triệu ha); 24 cảnh quan sinh thái quan trọng (gần 9,3 triệu ha); xác lập và quản lý 10 vùng đất ngập nước quan trọng (hơn 0,14 triệu ha)...

    Quy hoạch còn đặt ra mục tiêu hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, vùng, tỉnh có quy mô công suất, công nghệ xử lý phù hợp đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế chôn lấp trực tiếp. Cụ thể, đến năm 2030 sẽ hình thành 3 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại mỗi vùng kinh tế-xã hội; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98% (riêng tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%); tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 95% ở đô thị và 90% ở nông thôn; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế trên 65%...

    Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch này cần có quan điểm đồng nhất với Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bộ TN&MT phải đảm bảo rằng các chính sách của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được triển khai trên thực tế thông qua quy hoạch bởi Quy hoạch thể hiện không chỉ là không gian, lộ trình thực hiện, mục tiêu ưu tiên mà phải có cả chính sách, giải pháp để thực hiện.

    Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, giải pháp tổng thể của Quy hoạch phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao như: đổi mới tư duy quản lý, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; xem xét tính khả thi, rà soát lại định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Quy hoạch Đa dạng Sinh học Quốc gia. Một số đại biểu đề nghị khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải…

    Ngoài giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, một số đại biểu đề nghị khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hoá trong cung cấp các dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải…

    Kết luận cuộc họp, khẳng định Quy hoạch Bảo vệ môi trường là công cụ hết sức quan trọng để thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, là nền tảng giúp các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT - cơ quan soạn thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bám sát nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Quy hoạch…

Châu Loan

Ý kiến của bạn