20/09/2023
Ngày 15/9/2023, tại Quảng Ninh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, với sự tham dự của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; đại diện các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra; đại diện các Tập đoàn, Tổng Công ty gồm: Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tổng Công ty xi măng Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc; Công ty khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo; Công ty TNHH Mỏ Nikel Bản Phúc; đại diện Tổng hội Địa chất Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, ngày 22/7/2022, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 88/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ TN&MT được giao thực hiện dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, thông qua vào kỳ họp thứ 8 để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Trong quá trình xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản để trình Chính phủ, trong đó có các quy định mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Thông qua Hội thảo lần này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương và các Bộ, ban ngành có liên quan đến lĩnh vực địa chất và khoáng sản, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Trần Phương cho biết thêm, đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần 1 và đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan, đồng thời đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 15 Bộ ngành, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3 doanh nghiệp và 2 cá nhân. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Bộ TN&MT tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý trên phạm vi toàn quốc. Hôm nay (ngày 15/9), Hội thảo thứ nhất được tổ chức tại Quảng Ninh để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng, theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là trữ lượng địa chất được phê duyệt nằm trong diện tích và chiều sâu theo phương thẳng đứng được phép khai thác và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản. Quy định này không phù hợp, vì đối với dự án khai thác lộ thiên phải đảm bảo yêu cầu về góc dốc sườn tầng, bờ mỏ, dẫn đến phần trữ lượng chiếu theo phương thẳng đứng nằm ngoài ranh giới thiết kế moong khai thác lộ thiên sẽ không được phép huy động vào khai thác. Do vậy, cần điều chỉnh như sau: “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Q) là phần trữ lượng địa chất huy động nằm trong không gian khai thác/biên giới thiết kế mỏ, được cấp có thẩm quyền thẩm định/phê duyệt làm cơ sở cấp giấy phép khai thác”.
Quang cảnh Hội thảo
Đại diện Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An Tống Minh Hiểu có ý kiến, hàng năm, các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác đối với phần trữ lượng được cấp phép ngay khi giấy phép có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trước khi nhận giấy phép, doanh nghiệp không thể khai thác ngay hoặc đưa mỏ vào hoạt động bởi phải thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để được giao đất, cho thuê đất (có những dự án mất cả chục năm). Như vậy, kể cả khi không tổ chức khai thác được hoặc khai thác không đạt công suất cấp phép, doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản tiền này, tạo áp lực, khó khăn tài chính đáng kể cho doanh nghiệp khi không có doanh thu mà vẫn phải nộp khoản tiền này vào ngân sách.
Ông Tống Minh Hiểu cũng chia sẻ thêm, về giá tính thuế tài nguyên khoáng sản và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, quy định hiện hành của pháp luật về thuế tài nguyên cũng như phí bảo vệ môi trường chưa làm rõ và đưa ra mức giá cho từng mỏ khoáng sản cụ thể căn cứ vào chất lượng (hàm lượng) và điều kiện địa chất, điều kiện khai thác, hạ tầng kỹ thuật của mỏ để xác định mức giá cho phù hợp với đặc điểm của từng mỏ là chưa phù hợp gây bất lợi cho các mỏ cho chất lượng thấp, điều kiện kỹ thuật khai thác khó khăn (chi phí đầu tư lớn). Như vậy, sẽ không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ khai thác, chế biến để thu hồi tối đa khoáng sản có chất lượng thấp, nhất là đối với khối lượng đá dư thừa do không đạt quy cách như hiện nay…
Phạm Văn Ngọc