Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước - Từ thực tế đến chính sách
15/09/2015
Nhằm nâng cao năng lực cho các nhà báo về thể chế, chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước, trong 2 ngày 19 - 20/3/2014, tại Thái Nguyên, Tổng cục Môi trường phối hợp với Liên minh nước sạch tổ chức Chương trình Tọa đàm “Truyền thông với ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước - Từ thực tế đến chính sách”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng đến dự và phát biểu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng
phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Chương trình, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng cho biết, hiện nay tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số đã tạo nên sức ép không nhỏ đối với tài nguyên nước. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2012, chất lượng nước ở hầu hết các con sông suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn chảy qua các đô thị, KCN, làng nghề. Ở các sông, hồ, kênh rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước loại B từ 2 - 6 lần. Tại các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai, chất lượng nước của nhiều đoạn sông đang ở mức báo động, vào mùa khô, các thông số COD, BOD5, TSS… đều vượt Quy chuẩn QC 08:2008/BTNMT loại 1. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã làm gia tăng bệnh tật cho người dân tại các tỉnh thuộc lưu vực sông. Vì vậy, Chương trình Tọa đàm “Truyền thông với ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước - Từ thực tế đến chính sách” là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc truyền thông, quản lý giúp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi về thực trạng kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam; Tính hiệu quả của các chính sách, cơ chế hiện nay trong quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường nước; Vai trò của truyền thông trong vận động chính sách và xây dựng kế hoạch hành động… Hầu hết các ý kiến cho rằng, môi trường nước ở nhiều đô thị, KCN và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm do nguồn nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các tỉnh, thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Trong những năm qua, công tác quản lý và BVMT nước luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật BVMT 2005, Luật Tài nguyên nước năm 1998 (sửa đổi năm 2012), Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020… Song song với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sông, hồ; Quy chuẩn nước thải sinh hoạt, nước thải đối với các ngành công nghiệp... đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác BVMT nước. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường nước từ cấp Trung ương và địa phương đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện. Công tác truyền thông cũng đã khẳng định rõ vai trò truyền thông trong việc vận động chính sách về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Thực tế nhiều năm qua, các cơ quan truyền thông đã tham gia tích cực phản ánh thông tin đa chiều các vụ việc như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bauxite Tây Nguyên, Công ty Vedan Việt Nam… giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kịp thời có chính sách quản lý hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong công tác BVMT.
Tuy nhiên, hiện nay công tác BVMT nước vẫn còn tồn tại một số bất cập như hệ thống văn bản còn chồng chéo, các quy định chưa đầy đủ; Thiếu tính thống nhất trong tổ chức quản lý nhà nước về môi trường nước; Việc triển khai các quy hoạch lưu vực sông còn chậm, thiếu quy hoạch phân vùng; Vấn đề xử lý nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu BVMT, đặc biệt là ý thức, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về BVMT nước còn hạn chế…
Do đó, để tăng cường công tác BVMT, thời gian tới cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT và các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật và thể chế về BVMT nước; Củng cố hệ thống quản lý nhà nước về BVMT nước; Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, thanh, kiểm tra BVMT nước… và nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cả cộng đồng.
Bùi Hằng