NGÀNH MÔI TRƯỜNG THỰC HIỆN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC
15/09/2015
Thi đua yêu nước là một trong những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc. Với tầm nhìn chiến lược sâu sắc về vai trò và sức mạnh thi đua yêu nước, ngày 11/6/1948, Người đã ra Lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của non sông, thôi thúc quân và dân cả nước cùng chung sức đồng lòng, anh dũng chiến đấu và sản xuất, lập nên những chiến công và thành tựu diệu kỳ.
Có thể khẳng định, trên thế giới, hiếm có một lãnh tụ cách mạng nào lại chú trọng tới động viên thi đua và phát huy sức mạnh to lớn của phong trào thi đua yêu nước vào sự nghiệp cách mạng như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tài năng kiệt xuất của một nhà tổ chức và lãnh tụ thiên tài của phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ dẫn hết sức sâu sắc, phong phú về vai trò, ý nghĩa của thi đua; về mục tiêu, nội dung thi đua; về tổ chức, phương pháp và động viên, biểu dương thành tích thi đua yêu nước.
Theo Người, thi đua có ý nghĩa trọng đại, có vai trò rất to lớn đối với thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua gắn liền với vận mệnh và sự nghiệp tiến lên của đất nước. Thi đua còn là thước đo về tình yêu và trách nhiệm đối với đất nước của mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức và mỗi địa phương. Chính vì những lẽ đó, Người đã nhiều lần khẳng định: Thi đua là yêu nước và yêu nước phải thi đua.
Bác Hồ và các anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn
quốc lần thứ nhất tổ chức tại Việt Bắc (1952) Ảnh: Tư liệu
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để đạt được các mục tiêu thi đua cao đẹp ấy, thì mỗi ngành, mỗi người phải có nội dung thi đua cụ thể, thiết thực. Người đã chỉ rõ nội dung thi đua cho mỗi ngành, mỗi người là: “Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; Đồng bào công nông thi đua sản xuất; Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”4.
Về lực lượng tham gia thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi ngành, mọi người, mọi lứa tuổi. Người đã từng nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều phải thi đua… Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”5. Theo Người, với lực lượng thi đua rộng khắp và to lớn ấy, thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú ý tới việc cổ vũ động viên phong trào và khen thưởng, biểu dương thành tích. Đây là một nét độc đáo trong tư tưởng của Người về thi đua yêu nước. Để các phong trào thi đua thực sự trở thành những phong trào hành động sôi nổi của quần chúng, đạt được hiệu quả cao, Người đã tiến hành động viên mọi lực lượng, bằng nhiều nội dung, hình thức, phương pháp hết sức phong phú, sáng tạo.
Đặc biệt, Người thường động viên thi đua kịp thời bằng các loại thư khen, thư chúc mừng, thư chúc Tết, hoặc theo phong cách riêng của Người là, trực tiếp đến từng đơn vị, từng địa phương để thăm hỏi, dặn dò, động viên, cổ vũ ý chí phấn đấu, rồi tặng quà, tặng cờ thi đua và tặng huy hiệu của chính Người. Nhiều chiến sĩ đã được nhận kẹo, nhận thuốc từ chính tay Người, được Người gắn huy hiệu, gắn hình ảnh của Người lên trước trái tim mình. Những cử chỉ sâu nặng nghĩa tình và những lời cổ vũ sục sôi nhiệt huyết của Người đã là nguồn động lực vô cùng to lớn, thôi thúc mọi người dân, mọi chiến sĩ anh dũng quên mình phấn đấu, lập nên những chiến công, những thành tích kỳ diệu cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.
Trong thời kỳ mới, vận dụng sáng tạo và thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là vấn đề vô cùng hệ trọng và cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn dân nói chung và đối với Ngành Môi trường nói riêng. Để thực hiện thắng lợi những lời dạy của Người, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, Ngành Môi trường cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, trong đó trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền giáo dục để mọi người nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của thi đua yêu nước.
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của thi đua yêu nước, của công tác thi đua đối với mọi cơ quan, đơn vị, địa phương. Bởi vì, có nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của thi đua, thì mọi tập thể, mọi cá nhân mới xác định được động cơ thi đua đúng đắn, mới có quyết tâm cao trong tiến hành từng phong trào thi đua cụ thể. Nội dung tuyên truyền giáo dục về vấn đề này phải toàn diện, bao gồm tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm Đảng ta về thi đua yêu nước; truyền thống thi đua của quân và dân ta; những thành tựu và kinh nghiệm của các phong trào thi đua lớn, những tấm gương thi đua tiêu biểu của các ngành, các cấp, các địa phương, nhất là của Ngành Môi trường.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, ngày 1/4/2013 vừa qua, Tổng cục Môi trường đã ra công văn số 463/TCMT-TCCB, chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của thi đua trong Ngành Môi trường hiện nay; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn Tổng cục phát động đợt thi đua mới, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2013, thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Hai là, khi tổ chức các phong trào thi đua, phải xác định rõ mục tiêu, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực.
Đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi, là kết quả cuối cùng của mọi phong trào thi đua. Bác Hồ đã từng dạy, không có thi đua chung chung, thi đua bằng khẩu hiệu, bằng lời nói, mà phải được thi đua bằng những việc làm cụ thể, nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể. Chính vì thế, khi phát động bất kỳ một phong trào thi đua nào, chúng ta đều phải xác định rõ mục tiêu thi đua, nội dung thi đua, tiêu chí thi đua chủ yếu. Bởi vì, mục tiêu không chỉ là cái đích phải tới, mà nó còn định hướng cho từng bước phát triển của mọi phong trào thi đua yêu nước. Thực tế cho thấy, chỉ có xác định rõ mục tiêu, thì thi đua mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện nghiêm túc và sáng tạo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xác định mục tiêu thi đua yêu nước, đồng thời căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của Ngành hiện nay, Tổng cục Môi trường đã xác định rõ những mục tiêu cơ bản trong phong trào thi đua năm 2013 là:
- Tập trung giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường theo đúng lộ trình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
- Kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong công tác BVMT.
Căn cứ vào những mục tiêu cơ bản trên, các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục tiến hành phát động những phong trào thi đua cụ thể, nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể như:
- Khẩn trương hoàn thành, trình Quốc hội Luật BVMT sửa đổi.
- Trình Chính phủ ban hành và triển khai các văn bản quan trọng như: Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT…
- Thiết lập hệ thống chính sách khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác BVMT.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch, mô hình cộng đồng tự quản, mô hình BVMT tiên tiến…
Trên cơ sở những mục tiêu thi đua, mỗi cán bộ, nhân viên Ngành Môi trường cụ thể hóa thành mục tiêu thi đua cụ thể của mỗi cá nhân và nỗ lực thực hiện hàng ngày, thiết thực góp phần vào hoàn thành những mục tiêu thi đua cơ bản của Ngành với chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Ba là, phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Ngành, của từng cơ quan, đơn vị để tổ chức phong trào thi đua cho phù hợp, hiệu quả.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tổ chức bất kỳ một hình thức, một phong trào thi đua nào đều phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Ngành, của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện nay, nhiệm vụ của Ngành Môi trường rất to lớn, nặng nề, phức tạp. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Đưa nội dung BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT… Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên… Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, phát triển các dịch vụ môi trường, xử lý chất thải…”7
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chung ấy, Ngành Môi trường cần chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để sớm phát động một phong trào quy mô quốc gia về BVMT. Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa chiến lược rộng lớn, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả BVMT hiện nay.
Mặt khác, Ngành Môi trường cần tiếp tục phát huy, phát triển, nhân rộng các hình thức thi đua, các phong trào thi đua đã có và đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đáng chú ý là, cần tiếp tục tổ chức cuộc vận động sáng tác các ca khúc về môi trường, thi vẽ tranh về môi trường; tổ chức các cuộc thi “Hành trang kinh tế xanh của tôi”; tổ chức bình chọn, trao giải thưởng môi trường các cấp… Đặc biệt, cần nhân rộng phong trào thi đua của các cơ quan trong Ngành như phong trào “Chính xác – Trung thực – Kịp thời” của Phòng Thí nghiệm Môi trường, hoặc các phong trào BVMT của các cơ quan, đơn vị bạn như phong trào “Nói không với tiêu thụ động vật hoang dã” của Tập đoàn FPT. Phát huy, phát triển, nhân rộng các phong trào thi đua trên, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành Môi trường hiện nay.
Bốn là, trong quá trình thi đua, phải có các hình thức động viên kịp thời, phong phú, sáng tạo.
Động viên, biểu dương, khen thưởng thành tích thi đua kịp thời là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào thi đua, là nhân tố đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thầy vĩ đại về nghệ thuật động viên thi đua. Học tập và làm theo tư tưởng của Người, chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới công tác động viên thi đua, phải động viên kịp thời với nhiều hình thức phong phú, sinh động, phải động viên cả tinh thần và vật chất, cả tập thể và cá nhân, phải chú ý cả biểu dương và khen thưởng.
Trong những năm qua, Ngành Môi trường đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo phong trào thi đua, công tác động viên, biểu dương, khen thưởng thành tích thi đua đã được chú ý và đạt nhiều kết quả tốt. Chỉ tính riêng về Giải thưởng Môi trường, sau 10 năm tổ chức, đã có 99 tập thể và 59 cá nhân được trao Giải thưởng cấp Ngành. Năm lĩnh vực được trao giải là giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, khắc phục sự cố môi trường, bảo vệ tài nguyên và quản lý nhà nước về BVMT.
Tuy nhiên, công tác động viên, biểu dương, khen thưởng thành tích thi đua của Ngành Môi trường cũng còn những bất cập như: biểu dương chưa kịp thời, số lượng khen thưởng hạn chế, chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện thành tích các hoạt động BVMT trên các vùng miền đất nước. Trong những năm tới, Ngành Môi trường phải nỗ lực khắc phục những bất cập này, đưa phong trào thi đua của toàn Ngành lên cao hơn nữa, lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa .
PGS.TS Hà Huy Thông
Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013