Năm 2014 tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường
15/09/2015
Ngày 2/1/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đến dự và chủ trì Hội nghị.
Năm 2013, Tổng cục Môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
Thực hiện tốt công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT; Hoàn thành việc tổng kết, đánh giá 8 năm thi hành Luật BVMT năm 2005; Tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nhân dân về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Trên cơ sở đó, tổng hợp, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự án Luật, báo cáo Bộ, trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Hiện Tổng cục Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh Dự án Luật, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII.
Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT cũng được triển khai thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, qua đó hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra. Thông qua công tác thanh, kiểm tra, đã phát hiện và giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về BVMT; Kiến nghị Bộ sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về BVMT đi vào nề nếp.
Hoàn thành kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT đối với 11 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra từ năm 2010 - 2012 của Bộ đối với 6 địa phương thuộc các lưu vực sông, qua đó phát hiện một số bất cập trong công tác quản lý nhà nước về BVMT và kịp thời có biện pháp khắc phục. Trong năm 2013, Bộ đã tiến hành thanh, kiểm tra đối với 636 cơ sở thuộc KCN, CCN và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, cảng biển, sản xuất giấy, hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và trên các lưu vực sông thuộc địa bàn 19 tỉnh; Xử lý và đề nghị xử lý đối với 335 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 46.680 triệu đồng; Tổ chức 7 đoàn thanh, kiểm tra về BVMT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đối với 47 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi 19 tỉnh/thành, lập 33 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt 14 cơ sở với tổng số tiền 558.250.000 đồng và đang đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt 19 cơ sở với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 557/QĐ-TTg; Xây dựng một số mô hình thí điểm xử lý tổng thể chất thải rắn cho 3 làng nghề tại Nam Định, Thừa Thiên - Huế và Bến Tre; Tăng cường công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Tính đến tháng 12/2013, cả nước có 296 KCN được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong đó có 141/194 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm tỷ lệ 73%) theo quy định với tổng công suất thiết kế 600.000 m3/ngày, đêm; 19 KCN (chiếm tye lệ 10%) đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; 17% số KCN còn lại hoạt động trước khi có Luật BVMT 2005 nên chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015; Trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 30/1/2013 về thành lập Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2012 - 2015; Hoàn thiện Quy chế và trình ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BKHĐT-BTC-BTNMT ngày 8/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ TN&MT về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình giai đoạn 2012 - 2015.
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng thể chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1946/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước; Quyết đinh số 184/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Công ước Basel về vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại. Năm 2013, Tổng cục đã phối hợp với tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xử lý, tiêu hủy khoảng 780 tấn hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các loại chất thải hữu cơ khó phân hủy POP. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế và địa phương đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ xử lý chất thải y tế bằng công nghệ không thiêu đốt, thay thế các thiết bị có chứa thủy ngân bằng những thiết bị y tế không chứa thủy ngân; Phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và việc thực hiện Công ước Basel và xuất, nhập khẩu chất thải xuyên biên giới…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục Môi trường đã đạt được trong năm 2013, đặc biệt là việc hoàn thiện Luật BVMT (sửa đổi); Thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, phát hiện các vụ việc vi phạm về môi trường; Nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường như rà soát để đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án thủy điện nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Tổng cục đã giúp Bộ xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trình Quốc hội thông qua; Tiếp tục đẩy mạnh công tác BVMT lưu vực sông và nâng cao nhận thức của nhân dân về BVMT, góp phần tích cực vào việc phát hiện các vụ việc gây ô nhiễm môi trường. Kết quả hoạt động của Tổng cục đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành TN&MT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường.
Toàn cảnh Hội nghị
Chỉ đạo phương hướng hoạt động năm 2014, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác về BVMT, trên cơ sở xác định rõ những thời cơ và thách thức, khắc phục một số tồn tại và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra, trong đó cần:
Tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về BVMT. Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Luật BVMT (sửa đổi) phải khắc phục ngay những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm trình ban hành ngay sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp về BVMT theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa XI cũng như Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số cấp bách trong lĩnh vực BVMT. Đây là những văn bản định hướng chỉ đạo quan trọng, thể hiện mối quan tâm lớn của Đảng, Chính phủ đối với công tác BVMT ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Sớm kiện toàn về mô hình tổ chức, tăng cường năng lực, hoàn thiện các quy chế phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra về BVMT. Các vi phạm pháp luật về BVMT phải được chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, có tính răn đe, không để phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.
Tăng cường sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả, trong đó xác định và làm rõ vai trò quản lý của Bộ TN&MT và của các Bộ, ngành có liên quan.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể và cộng đồng vào công tác BVMT nói chung và giám sát thực thi pháp luật về BVMT nói riêng. Tổ chức kiểm điểm, đánh giá thường xuyên việc thực hiện các Nghị quyết liên tịch giữa Bộ TN&MT với các tổ chức chính trị - xã hội về phối hợp hành động BVMT; Kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tránh để các Nghị quyết rơi vào hình thức.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tin tưởng, với sự cố gắng, nỗ lực của Tổng cục Môi trường cùng sự tham gia, phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, năm 2014, công tác BVMT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra.
Gia Linh