Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Đoàn giám sát của Uỷ ban BVMT LVS Cầu làm việc tại Bắc Ninh, Hải Dương

15/09/2015

     Ngày 31/7/2014, Đoàn công tác của UB BVMT LVS Cầu do Thứ trưởng Bộ TN&MT, Phó Chủ tịch Ủy ban Bùi Cách Tuyến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bắc Ninh và Hải Dương về tình hình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh.      Đánh giá về tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn hai tỉnh, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng, các địa phương đã thực hiện tốt các chương trình BVMT; Các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm; Kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng; Thực hiện nghiêm quy chế hoạt động của UB BVMT LVS Cầu. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người dân, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cùng chung tay BVMT.      Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, qua 3 năm triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, về cơ bản một số mục tiêu BVMT đề ra đã và đang được triển khai có hiệu quả. Theo đó, 80% các cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch, thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 85,7% các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt, trong đó 6/7 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung như KCN Quế Võ, Tiên Sơn, Yên Phong I, VSIP, Thuận Thành III, Đại Đồng - Hoàn Sơn. Cùng với đó, công tác quản lý chất thải nguy hại và chất thải bệnh viện đã được thu gom, xử lý đạt trên 90%; 80% cơ sở có sử dụng hóa chất đã xây dựng biện pháp phòng ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất.      Hiện nay, Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt TP với công suất 28.000 m3/ngày, đêm; Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề thị xã Từ Sơn với công suất giai đoạn I là 20.000 m3/ngày, đêm đang được xây dựng.      Tuy vậy, trong quá trình khai thác nguồn tài nguyên, môi trường LVS Cầu đang bị đe dọa do tác động của tự nhiên và con người. Nhiều khu vực sông chảy qua KCN, làng nghề có giá trị các thông số SS, BOD5, COD vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 3 lần; Các chỉ số này trong nước thải của các làng nghề ở sông Ngũ Huyện Khê (một nhánh của sông Cầu) cao hơn tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Bên cạnh đó, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề như: làng nghề nấu rượu Đại Lâm, sản xuất sắt thép ở Châu Khê, giấy Phú Lâm, Phong Khê... với thiết bị, công nghệ đơn giản, khả năng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải hạn chế cũng gây ô nhiễm nguồn nước mặt.      Để khắc phục những tồn tại trên, Sở TN&MT đã kiến nghị Bộ TN&MT trình Chính phủ, ban hành nghị định về quản lý chất thải, nước thải, khí thải phù hợp với Luật BVMT năm 2014; Ban hành danh mục các dự án hạn chế đầu tư có tiềm năng gây ô nhiễm hỗ trợ Dự án xử lý môi trường triệt để bãi rác Đồng Ngo; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phong Khê.      Sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại Nhà máy xử lý nước thải Bắc Ninh, Công ty TNHH Hùng Hưng Môi trường xanh, Công ty xử lý môi trường Hà Ngọc.   Đoàn công tác khảo sát tại Nhà máy xử lý nước thải Bắc Ninh        Trong buổi làm việc tại Hải Dương, Sở TN&MT tỉnh cho biết, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường LVS Cầu; Chỉ đạo Chi cục BVMT hướng dẫn và tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho 300 dự án đầu tư, 35 đề án BVMT chi tiết và 21 dự án ký Quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản; Hướng dẫn 358 cơ sở lập sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Đồng thời, kiểm tra 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc thực hiện Báo cáo ĐTM và Đề án BVMT; Phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường (đất, nước, không khí, chất thải rắn sinh hoạt) tần suất 4 lần/năm.      Kết quả xử lý môi trường LVS Cầu địa phận tỉnh Hải Dương được thể hiện qua một số chỉ tiêu như: 72,7% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để; 100% KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% các cơ sở lập Báo cáo ĐTM; 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc chứng chỉ ISO 14001; Tỷ lệ khu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt 65%; Tỷ lệ thu gom xử lý chất thải bệnh viện đạt 100%...      Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, Sở TN&MT  tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch BVMT tỉnh Hải Dương năm 2014; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về BVMT. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý, xử lý môi trường nông thôn, các CCN trên địa bàn tỉnh; Đầu tư trang bị thiết bị, phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở khu vực đông dân cư, các khu, điểm du lịch, các đội vệ sinh môi trường của các huyện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các KCN, CCN, nhằm phòng tránh các sự cố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.   Theo Monre
Ý kiến của bạn