Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Tiếp tục nâng cao chất lượng Đề án Hậu Giang xanh

05/04/2024

    Ngày 4/12/2020, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị Quyết số 20/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Đề án, hàng năm, các ngành, thành phố và phường, xã tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về công tác BVMT, quản lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, còn phát động Cuộc thi “Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp” được 100% người dân tiếp cận và đồng tình hưởng ứng với 21.117 hộ dự thi và có 1.068 hộ đoạt giải. Qua 3 năm thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, ý thức của người dân trong công tác BVMT ngày càng được nâng cao.

    Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Hậu Giang xanh” trong năm 2023, Ủy ban MTTQ cùng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đề án đã đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã tổ chức hơn 1.600 cuộc hội nghị, tập huấn tuyên truyền các quy định thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng… cho gần 58.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh; cấp phát trên 89.500 tờ rơi, sổ tay, tài liệu liên quan đến các biện pháp BVMT; đưa nội dung chấp hành quy định pháp luật về BVMT vào quy chế, quy ước cộng đồng và bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa, khu vực, ấp văn hóa ở tất cả 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

    Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, để rác thải đúng nơi quy định; chuyển giao bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng cho đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý; áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, chủ động di dời các điểm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Một số địa phương trở thành điểm sáng tuyên truyền phối hợp hành động như: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy...

TP. Vị Thanh hỗ trợ sọt rác cho người dân phường VII thực hiện phân loại

rác thải sinh hoạt tại nguồn

    Trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, các huyện, thị xã, thành phố đã củng cố, thành lập mới 441 Tổ vệ sinh môi trường trên tổng số 525 ấp, khu vực, trong đó có 373 Tổ đã đi vào hoạt động; trang bị hơn 1.000 xe kéo tay thu gom rác sinh hoạt, bao gói thuốc BVTV. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực đô thị trên 90%, nông thôn gần 61%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt 64,46%; vận động trên 1.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản di dời đến nơi phù hợp quy hoạch.

    Ngoài ra, các địa phương đã hình thành, duy trì và nâng chất lượng 883 mô hình về BVMT, trong đó có 189 mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 61 mô hình về BVMT, xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp; 387 mô hình về cảnh quan môi trường; tổ chức ra quân thu gom trên 517 tấn rác thải tại các tuyến đường chính, kênh, rạch và khu vực công cộng; khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch với chiều dài 162km; hỗ trợ sọt rác, thùng rác cho 5.390 hộ dân.

    Riêng tại TP. Vị Thanh, hàng năm, TP đều thực hiện hàng trăm công trình, phần việc góp phần BVMT; huy động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh, khơi thông kênh rạch nhân các sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người dân TP. Vị Thanh đã thu gom 352 tấn rác thải trên các tuyến đường sông kênh rạch; khơi thông 93 km cống rãnh; trồng hơn 36.000 cây bóng mát, cây kiểng; xử lý dứt điểm 37 điểm tập trung rác tự phát thuộc các phường: I, III và V.

    Năm 2024, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu Đề án “Hậu Giang xanh” đã đề ra, TP. Vị Thanh đặt mục tiêu 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ít nhất 90% chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 75% chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình ở nông thôn và 40% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cũng sẽ được đơn vị chức năng thu gom, xử lý theo đúng quy định.

    Để đạt được mục tiêu đề ra,, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP. Vị Thanh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, phường tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, nuôi thủy sản và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, cải tạo cảnh quan môi trường; chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ chất thải; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; mở rộng mạng lưới, tăng cường tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị và khu vực nông thôn.

    Bên cạnh đó, TP. Vị Thanh cũng sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cải thiện cảnh quan môi trường tại khu vực công cộng, đặc biệt là các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trồng bổ sung cây xanh tạo bóng mát tại các tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường trong đô thị, đường liên xã, khu vực công viên; đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khu dân cư, khu thương mại, khu đô thị mới phải bố trí diện tích cây xanh, các thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo theo quy định.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn