09/05/2024
Những năm gần đây, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, biến đổi khí hậu được xem là một vấn đề cấp bách toàn cầu, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Sự thay đổi của người sử dụng sang hướng tiêu dùng xanh sẽ góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Hiện Việt Nam đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh cũng đã được quan tâm nhiều hơn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999),... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như: Chương trình cấp Nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương); Nhãn sinh thái cho ngành du lịch... Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Phạm Trần Bảo Châu chia sẻ về những sáng kiến mang lại tác động tích cực cho xã hội
Thực tế, người tiêu dùng cũng đã quan tâm và tin tưởng rằng, các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài mặc dù có thể có chi phí ban đầu cao hơn. Sức khỏe và an toàn của bản thân và gia đình là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên để tránh tiếp xúc với hóa chất và độc tố. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày nay có cơ hội tiếp cận được nhiều thông tin hơn nhờ sự phát triển của Internet, do đó, quá trình ra quyết định mua sản phẩm cũng ngày càng khắt khe hơn. Theo đó, tác động của môi trường và các hoạt động bền vững của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến ý định mua của khách hàng. Người dân và nhà đầu tư cũng chuyển dần thói quen mua sắm thông thường bằng các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nắm bắt được xu hướng trên, đặc biệt, khi sống ở Hà Nội – một trong những thành phố đã và đang đẩy mạnh triển khai các chương trình về thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, Phạm Trần Bảo Châu - cô gái 16 tuổi ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã vượt qua những định kiến về giới tính và tuổi tác, sử dụng tài năng của mình xây dựng 1 trang web “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Sau gần một năm, với sự giúp đỡ của bạn bè, Châu đã hình thành nên StepUP, một Dự án web về tiêu dùng xanh nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các cửa hàng bền vững. StepUP cung cấp một giải pháp hấp dẫn: Một bản đồ toàn cầu định vị các cửa hàng thân thiện với môi trường gần với người dùng, kèm theo chế độ xem danh sách và bộ lọc thanh tìm kiếm để lọc ra những cửa hàng phù hợp với nhu cầu của người dùng. Nói cách khác, Step UP chính là “Google Map” của một thế giới xanh. Tính năng của Step UP có thể giúp mọi người tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm địa chỉ cửa hàng thân thiện môi trường, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Đồng thời, giải pháp tiết kiệm chi phí này giải quyết rào cản quan trọng nhất: sự tiện lợi - trong việc thúc đẩy sự bền vững trong đời sống của mỗi cá nhân, qua việc cung cấp cho người dùng cơ sở dữ liệu tập trung nơi họ có thể dễ dàng “tiêu dùng xanh”, cũng như đem đến một nền tảng hướng tới cộng đồng, nơi người dân có thể chia sẻ các thương hiệu xanh. Đặc biệt, bất cứ ai, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể sử dụng Step UP.
Hiện tại, Dự án đang trong quá trình thu thập và lọc dữ liệu để không chỉ người Việt mà cả người dân khắp thế giới có thể tiếp cận với các địa chỉ “xanh”. Với mạng lưới toàn cầu của mình qua nhiều chương trình trao đổi văn hóa, Châu đã khảo sát hàng trăm cá nhân trong mọi lứa tuổi và xuyên lục địa nhằm thu thập thông tin về các cửa hàng bền vững cũng như lan tỏa sứ mệnh của Dự án. Step UP phiên bản Beta mới được hoàn thành, hiện đang thử nghiệm và xin ý kiến phản hồi từ người dùng. Sắp tới, Step Up dự định sẽ tiếp tục hoàn thiện bản đồ online, xây dựng phiên bản ứng dụng và phần mềm để thuận tiện hơn cho người dùng.
Vũ Nhung