11/02/2025
1. Đặt vấn đề
Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO là một mô hình bảo tồn di sản thiên nhiên và địa chất mang tầm quốc tế, đã được công nhận chính thức bởi UNESCO từ năm 2015. Được thành lập dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt, các CVĐC không chỉ có giá trị về khoa học địa chất mà còn gắn liền với các yếu tố văn hóa, lịch sử và sinh thái của khu vực. Mục tiêu của công viên địa chất toàn cầu là bảo vệ các di sản địa chất, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua giáo dục, du lịch và các hoạt động cộng đồng. Tính chất toàn cầu của công viên địa chất đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, điều này cần sự tham gia mạnh mẽ từ cộng đồng địa phương và các bên liên quan.
Tại Việt Nam, khái niệm CVĐC đã được xác định rõ ràng trong các văn bản pháp lý như Luật Khoáng sản 2018 và Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Mặc dù có sự thống nhất về khái niệm và các tiêu chí cơ bản, việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển các CVĐC ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Các địa danh này không chỉ cần bảo vệ các giá trị khoa học, mà còn phải tích hợp các yếu tố văn hóa, sinh thái và kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.
Do đó, vấn đề cấp thiết cần đặt ra đó là làm rõ yêu cầu về quản lý và bảo vệ môi trường đối với các công viên địa chất, đặc biệt là những thách thức trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản địa chất và phát triển cộng đồng tại Việt Nam.
2. Các yếu tố tác động đến môi trường/cảnh quan, tính toàn vẹn và giá trị nổi bật của CVĐC
2.1. Tác động môi trường của các yếu tố quản lý và thể chế
Thành lập CVĐC, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản địa chất một cách tổng thể cùng các giá trị di sản khác là sự nghiệp chung của cả chính quyền các cấp lẫn cộng đồng ở Việt Nam.
Một trong những điểm mạnh của CVĐCTC là tất cả chúng đều được liên kết theo một chương trình quốc tế do UNESCO bảo trợ. Một điểm mạnh khác của khái niệm công viên địa chất là nó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong một khu vực. Sự phát triển này phải mang tính bền vững về mặt sinh thái, văn hóa và môi trường, đồng thời khuyến khích các cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp và các ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vừa gìn giữ những giá trị vốn có, vừa tạo ra giá trị mới. Mục đích là cải thiện điều kiện sống và môi trường ở khu Công viên và địa bàn xung quanh, đồng thời tăng cường sự kết nối của mọi người với vùng đất của họ.
2.2. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội
CVĐC là một mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững, khuyến khích những hoạt động thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản. Các di sản được nhận dạng, được bảo tồn và sử dụng hợp lý trong Công viên địa chất, góp phần làm tăng giá trị của Công viên địa chất hay một khu vực, một địa điểm cụ thể của nó, khiến cho chính quyền các cấp, cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư cẩn trọng hơn đối với các hoạt động kinh tế có thể tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đến các giá trị di sản (như khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng...). Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của toàn nhân loại, hoặc các khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa và thẩm mỹ, công viên địa chất sẽ trở thành một đặc điểm phổ biến chung cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Việc thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với địa phương, phát triển nhanh và bền vững du lịch trên cơ sở tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững… Sau khi được công nhận CVĐCTC, doanh thu du lịch của các tỉnh đã có tăng trưởng rõ rệt, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội đáng kể.
Du lịch địa chất là loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương có liên quan, đã được áp dụng từ lâu ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. CVĐC nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân thiện với môi trường Việt Nam. Công viên địa chất thúc đẩy một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
2.3. Biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn và ảnh hưởng trực tiếp lên mọi lĩnh vực, trong đó có những hiểm họa đang đe dọa đến các CVĐC. Nước ta tuy ít phải chịu những thảm họa lớn về động đất, sóng thần, núi lửa như các quốc gia khác nhưng hàng năm lại phải lo đối phó với hàng chục cơn bão có diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về con người, tài sản. Các công viên địa chất cũngkhông tránh khỏi hệ lụy.
Hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị giảm độ bền do nước xoáy, va đập gây xói lở và đục khoét lòng sông dẫn vào hang, núi đá vôi ở Vịnh Hạ Long do tác động địa chấn cũng sạt lở. Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Di sản thế giới trên 83 quốc gia thành viên thì có tới 72% khẳng định biến đổi khí hậu tác động tới di sản văn hóa và thiên nhiên nước mình, 46 quốc gia đang có những hoạt động giám sát chặt chẽ biến đổi khí hậu… Các chuyên gia cho rằng để bảo tồn bền vững di sản trước tác động của biến đổi khí hậu cần phải giảm bớt những áp lực về môi trường, loại bỏ sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai, tạo và mở rộng các vùng bảo vệ hiện có đồng thời tăng cường công tác điều tra, giám sát, phân tích mức độ nhạy cảm…
Trước những tác động khó lường và diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, các di sản đang có nguy cơ bị mai một thậm chí bị phá hủy hoàn toàn nếu không có những biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.
3. Những gợi mở cho Việt Nam
Các nghiên cứu điển hình cho thấy các CVĐC khác nhau vận hành các cơ cấu Quản lý và Quản trị khác nhau. Vì thế có thể tùy thuộc vào điều kiện thực tế địa phương và văn hóa riêng để có thể vận hành đặc thù cho từng công viên địa chất.
Về mô hình và nhân sự Ban Quản lý của các BQL CVĐC ở Việt Nam hiện chưa thống nhất chung; Tùy theo tình hình từng địa phương mà có mô hình thích hợp.
Đối với CVĐC TC UNESCO CNĐ Đồng Văn và Cao Bằng hiện đều trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của Tỉnh; Nhân sự đã được định biên trong từng BQL;
CVĐC Đăk Nông hiện trực thuộc tỉnh và vẫn giữ mô hình biệt phái công chức, viên chức các sở ngành làm thành viên chuyên trách BQL. Theo Quyết định thành lập, BQL là đơn vị tư vấn trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông nên quan hệ công tác giữa các sở, ban, ngành và địa phương tương đối thuận lợi, việc triển khai nhiệm vụ, hoạt động cũng vì thế đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Hiện BQL có 03 Lãnh đạo kiêm nhiệm:
Giám đốc là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 02 Phó Giám đốc là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường; 07 thành viên chuyên trách, trong đó 05 thành viên là công chức, viên chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 01 công chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông và 01 công chức của Văn phòng UBND tỉnh.
CVĐC Lạng Sơn hiện BQL cũng trực thuộc Sở Văn hóa, Phó trưởng ban phụ trách được biên chế; Cán bộ hiện có số ít được biên chế chủ yếu được điều chuyển từ các đơn vị trong tỉnh sang với vai trò kiêm nhiệm.
Đề xuất: Kiện toàn các BQL CVĐC trực thuộc Tỉnh. Trưởng Ban Quản lý có thể do một Phó chủ tịch kiêm nhiệm; gồm 1 hoặc 2 Phó trưởng ban và các cán bộ phụ trách chuyên môn, trong đó phải có có 01 cán bộ có chuyên môn về khoa học trái đất.
Quản lý Công viên địa chất phải tuân thủ các yếu tố sau: Bảo vệ và bảo tồn di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá; Mối liên hệ giữa di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá như một thể thống nhất của các nguồn tài nguyên; Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất.
Hiện các BQL đều có các quyết định từ UBND tỉnh trong việc quy định chức năng nhiệm vụ và quyền hạn, ví dụ như:
Quyết định số 2381/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức BQL CVĐC CNĐ Đồng Văn trực thuộc Sở Văn hóa Thể Thảo và Du lịch Hà Giang.
Quyết định số 2438/QĐ-UBND ngày 22/12/2021 về việc thành lập BQLCVĐC Lạng Sơn trực thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Đề xuất Xây dựng Chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của BQL CVĐC Việt Nam.
Quản lý Công viên địa chất do cán bộ quản lý Công viên địa chất thực hiện thông qua các hoạt động, bao gồm: Điều chỉnh và bảo vệ môi trường tại Công viên địa chất theo sự phân bố của khu vực địa chất, có sự tham gia của các chuyên gia, bao gồm các lĩnh vực địa chất, sinh học, môi trường, văn hóa xã hội và du lịch; Sử dụng các khu vực địa chất, di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá một cách bền vững; Phát triển hệ thống giám sát và an ninh cho các khu vực địa chất, di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa; Thực hiện các chương trình bảo tồn di sản địa chất, đa dạng địa chất, đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa; Phát triển giáo dục, nghiên cứu và khoa học; Phát triển kinh tế cộng đồng dựa trên nền kinh tế sáng tạo; Bảo tồn văn hóa xã hội; Phát triển các điểm đến du lịch; Phát triển các công trình hỗ trợ du lịch và nhu cầu cơ sở hạ tầng; Cung cấp thông tin về hiện trạng, tầm nhìn của Công viên địa chất, các trung tâm thông tin, hệ thống thông tin tích hợp và bảo tàng Công viên địa chất; Xây dựng thể chế CVĐC bao gồm phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành; Quảng bá giá trị khoa học của CVĐC cho các hoạt động du lịch, giáo dục, nghiên cứu và khoa học; Phát triển hợp tác phát huy vai trò tích cực của các nhà quản lý CVĐC trong mạng lưới quan hệ đối tác CVĐC quốc gia, khu vực và toàn cầu; Chuẩn bị các báo cáo định kỳ.
Ngoài ra, tất cả các Công viên địa chất phải có kế hoạch quản lý Công viên địa chất như một lãnh thổ. Đây là một kế hoạch cho khu vực, không phải là một chương trình làm việc cho cơ quan hoặc nhóm quản lý Công viên địa chất và nhiều đối tác có thể chia sẻ quyền sở hữu và phân phối nó.
Di tích địa chất trong Công viên địa chất được bảo vệ và quản lý ở các cấp độ khác nhau, có thể được chia thành các khu vực bảo vệ khác nhau, tùy theo tầm quan trọng của đối tượng bảo vệ.
Đối với dự án xây dựng được phê duyệt theo quy định của pháp luật trong Công viên địa chất, trước khi xây dựng, đơn vị thi công xây dựng phải xây dựng phương án bảo vệ di tích địa chất, di sản thiên nhiên, văn hóa, môi trường sinh thái xung quanh công trường.
Cơ quan Quản lý Công viên địa chất có trách nhiệm thiết lập và hoàn thiện cơ chế ứng phó khẩn cấp, làm tốt công tác kiểm soát rủi ro, chuẩn bị khẩn cấp và xử lý hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác, tổ chức diễn tập thường xuyên.
Chính sách quản lý công viên địa chất cần sự hợp tác giữa chính phủ, cộng đồng địa phương, và các chuyên gia địa chất để đảm bảo bền vững và bảo tồn giá trị đặc biệt của những khu vực này.
Trần Tân