Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Những thay đổi tích cực từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam

14/03/2024

    Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình và sáng kiến hay ở cấp Trung ương và địa phương (bao gồm 10 tỉnh/thành phố, quận/huyện/thị xã, từ đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, không chỉ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên mà còn góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với rác thải nhựa. Để hiểu thêm về hoạt động của Dự án này tại Việt Nam trong thời gian qua, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình giảm nhựa, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).

    PV: Đồng hành cùng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) trong thực hiện hợp phần Đô thị giảm nhựa, Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam, xin bà cho biết những thay đổi cơ bản của các địa phương sau khi tham gia Chương trình này, thưa bà?

    Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Khi thực hiện Dự án, sự thay đổi của các bên liên quan tại các đô thị này rất lớn. Đặc biệt có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn. Song song với đó, sự hỗ trợ giúp đỡ từ cấp Trung ương đặc biệt là Bộ TN&MT với đại diện là Cục Biển và Hải đảo đã hỗ trợ rất tích cực trong việc triển khai Dự án, do vậy việc triển khai Dự án có rất nhiều thuận lợi.

    Đối với chương trình Đô thị giảm nhựa, việc đầu tiên là Dự án sẽ đánh giá hiện trạng của rác thải nhựa tại địa phương đang diễn ra như thế nào thông qua mô hình Đánh giá dòng chất thải. Mô hình này sẽ đánh giá dòng chất thải nhựa ở địa phương qua tất cả các bước từ nguồn phát thải ở các hộ gia đình, doanh nghiệp, khu vực công cộng… tiếp đó thu gom vận chuyển, tái chế và cuối cùng là đến khâu xử lý hoặc chôn lấp. Ngoài ra, có một phần chất thải thất thoát trực tiếp ra môi trường do không được thu gom. Bước đầu tiên này sẽ giúp tính toán lượng chất thải nhựa thất thoát ra môi trường là bao nhiêu và đâu là điểm then chốt cần can thiệp nhằm ngăn chặn có hiệu quả nhất trong việc giảm và tiến tới là ngăn chặn lượng chất thải nhựa ra môi trường. Thông qua cách tiếp cận này, chúng tôi chọn ra những giải pháp can thiệp phù hợp với địa phương.

    PV: Để có được những hiệu quả bước đầu của Dự án, lan tỏa được đến những địa phương không có trong dự án vào thực hiện các mô hình BVMT, giảm rác thải nhựa địa phương cần thực hiện các bước như thế nào thưa bà?

    Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Khi triển khai Chương trình, việc đầu tiên là phải đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đô thị và từ đó xác định các điểm nóng và các điểm mấu chốt cần can thiệp để có thể có những hành động phù hợp. Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch hành động có sự tham gia của nhiều bên và do địa phương chỉ đạo.

    Các cơ quan chính quyền của địa phương là cơ quan sẽ có tác động chỉ đạo, dẫn đầu trong việc chỉ đạo cũng như phát động đối với các đơn vị khác, trong khi đó, các bên liên quan khác ở trong địa phương sẽ là những nhân tố gương mẫu đi đầu. Bên cạnh đó, Dự án cũng đưa các chương trình giáo dục vào trường học, làm việc với các doanh nghiệp để họ có giải pháp để áp dụng được trong quá trình kinh doanh, sản xuất của mình. Không những vậy, Dự án khuyến khích các địa phương có sáng kiến để có thể triển khai các giải pháp để giảm thiểu chất thải nhựa cho địa phương mình.

    Trong khâu thu gom vận chuyển, Dự án cũng có những hỗ trợ đối với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này như: biến các điểm tập kết rác đang ô nhiễm hoặc chưa hợp vệ sinh thành những điểm xanh. Những điểm này sẽ không chỉ sạch hơn mà lại trở thành những trung tâm tuyên truyền tại địa phương về vấn đề bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác hoặc ngăn ngừa thất thoát rác thải ra môi trường. Đây là cách thức mà dự án làm việc với các bên liên quan tại mỗi địa phương để thúc đẩy tất cả các nhân tố, các nhóm cộng đồng, người dân tại mỗi địa phương đều có thể tham gia và nỗ lực chung trong việc giảm thải rác thải nhựa.

    PV: Liên quan tới việc thực hiện và tham gia dự án đô thị giảm nhựa Dự án đã lựa chọn các địa phương với tiêu chí như thế nào để được hỗ trợ triển khai Dự án?

    Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Dự án triển khai 4 năm và chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kết thúc, vì vậy việc hỗ trợ cho các đô thị mới sẽ có những hạn chế. Tuy nhiên, để triển khai những mô hình như chúng tôi đã chia sẻ không nhất thiết phải có dự án.

    Điển hình như huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), mặc dù không có dự án hỗ trợ nhưng địa phương này vẫn triển khai Chương trình giảm nhựa, thậm chí cấm được việc mang sản phẩm nhựa dùng một lần đến đảo. Hay như tại Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), trong suốt 14 năm, tại đây không cho mang những sản phẩm túi nilông ra đảo.

    Chúng ta phải xác định rằng các mô hình đô thị giảm nhựa phải dựa vào nguồn lực sẵn có của địa phương, từ đó tìm ra các mô hình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương. Không nhất thiết phải áp dụng mô hình mẫu hay có tiền mới có thể thực hiện được. Chính vì vậy, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là có sự cam kết, quyết liệt trong công tác theo dõi, giám sát của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của các cộng đồng và các bên liên quan, sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp tại địa phương.

    PV: Nếu nói du lịch biển xanh là hướng đi tất yếu thì đô thị giảm nhựa chính là bước khởi đầu vô cùng quan trọng để chúng ta bứt phá thành công, đảo ngược xu thế ô nhiễm trắng trên các vùng biển Việt Nam. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các mô hình đô thị giảm nhựa, trong thời gian tới, WWF sẽ có những dự định gì cho hoạt động này thưa bà?

    Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy: Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của một doanh nghiệp du lịch: doanh nghiệp phải coi môi trường là một tài sản để có thể kinh doanh lâu dài chứ không phải một trách nhiệm mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. Nếu doanh nghiệp coi đó là tài sản để gìn giữ, có thể phát triển lâu dài thì việc BVMT sẽ là một việc tất yếu và nhẹ nhàng mà doanh nghiệp cũng như cộng đồng cần bảo vệ. Khi người dân và doanh nghiệp đã xác định môi trường là tài sản thì tôi nghĩ chuyện giảm thải rác thải nhựa, triển khai các mô hình đô thị giảm nhựa sẽ là một xu hướng tất yếu.

    Trong thời gian tới, WWF sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn lực, các dự án mới để hỗ trợ các địa phương để thực hiện các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng các mô hình đô thị giảm nhựa, giúp địa phương có môi trường sống xanh - sạch - đẹp; nhấn mạnh hình ảnh Việt Nam xanh và thân thiện với môi trường đến với du khách quốc tế. Đây cũng chính là nhiệm vụ, đường lối của WWF khi hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi muốn giữ gìn môi trường Việt Nam và mong muốn bảo tồn moi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam lâu dài và duy trì cho các thế hệ sau.

    Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đồng hành với địa phương đưa những chương trình đã thực hiện thời gian qua thành các chường trình thường xuyên của địa phương. Cùng với đó, chúng tôi sẽ cùng địa phương đẩy mạnh các công tác truyền thông, truyền bá các hình ảnh của địa phương để làm sao thu hút thêm các nguồn lực.

    ​PV: Xin cảm ơn bà!

Nam Việt (Thực hiện)

Ý kiến của bạn