07/11/2023
Sau khi Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) phát động Cuộc thi Đại sứ giảm nhựa, ngày 7/11/2023, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã có Văn bản số 4283/STNMT-CCMT gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; UBND các huyện, Thành phố Nam Định và các đơn vị liên quan về việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến, phát động hưởng ứng Cuộc thi.
Tích cực hưởng ứng Cuộc thi
Cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho đối tượng học sinh trung học cơ sở (THCS) trên toàn quốc thể hiện các ý tưởng sáng tạo về giảm thiểu rác thải nhựa (RTN), góp phần giáo dục kỹ năng, kiến thức và phương pháp BVMT cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Đồng thời, tiếp tục duy trì và tăng cường các hoạt động phòng, chống RTN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Theo thể lệ Cuộc thi, đối tượng tham gia là tất cả các em học sinh THCS (từ 12 - 15 tuổi) tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, thông qua hình thức làm video clip thuyết trình trong vòng 3 - 5 phút, nội dung tuyên truyền, lan tỏa thông điệp: Giảm thiểu RTN, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện, nói “không” với RTN; các tiết mục biểu diễn ý tưởng, mô hình với chủ đề trọng điểm là “Nói không với RTN”; hành động, thông điệp về “Giảm nhựa” trong thời gian tới.
Thể lệ Cuộc thi cũng đặt ra yêu cầu, các tác phẩm dự thi phải là sản phẩm của tác giả chưa được trình chiếu/đăng tải trên mạng internet hoặc bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào; chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào trước đây và không cùng gửi đi thi các giải thưởng khác. Ban Tổ chức sẽ nhận tác phẩm tham dự Cuộc thi thông qua các hình thức: Ghi tác phẩm dự thi vào đĩa DVD, kèm hồ sơ đăng ký dự thi gửi qua bưu điện về địa chỉ Phòng Quan hệ công chúng và Báo chí, Trung tâm Truyền thông TN&MT (Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội); đăng tải tác phẩm dự thi trên Youtube và gửi đường link kèm hồ sơ về địa chỉ thư điện tử: daisugiamnhua@gmail.com; đăng tải tác phẩm dự thi và hồ sơ đăng ký lên wesbite: http://daisugiamnhua.com.
Cuộc thi gồm 2 giải Nhất, trị giá 15 triệu đồng/Giải; 4 giải Nhì, trị giá 8 triệu đồng/Giải; 6 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/Giải và 8 giải Khuyến khích, trị giá 2 triệu đồng/Giải kèm Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức.
Việc xét thưởng gồm 3 vòng: Vòng loại, vòng sơ khảo và vòng chung khảo. Hội đồng Giám khảo (vòng loại, vòng sơ khảo, vòng chung khảo) sẽ được thành lập và đánh giá, xét chọn các hồ sơ, tác phẩm tham dự theo tiêu chí, thang điểm của từng vòng. Ngoài ra, các ứng viên xuất sắc sẽ được lựa chọn thi trình diễn thời trang chủ đề sử dụng đồ tái chế, giảm thiểu RTN (tùy chọn hình thức dự thi ca, múa, nhạc, thuyết trình…).
Ban Tổ chức Cuộc thi nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/10/2023 đến trước 17 giờ ngày 30/5/2024; Thời gian xét vòng loại dự kiến từ ngày 15/6 - 25/6/2024; Thời gian tổ chức trao giải dự kiến vào tháng 8/2024.
Khẳng định quyết tâm giảm thiểu RTN, góp phần BVMT
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT tỉnh Nam Định, trung bình mỗi ngày địa phương phát sinh trên 980 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó lượng RTN ước khoảng 196 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực thành phố mới đạt khoảng 95,5%; tại khu vực nông thôn mới đạt 89,5% và chỉ một số ít RTN được tái chế, tận dụng, ngoài ra, vẫn còn lượng lớn RTN bị thải trực tiếp ra môi trường và trôi ra biển.
Để hạn chế, tiến tới giảm thiểu ô nhiễm nhựa, những năm qua, tỉnh Nam Định đã rất nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, biện pháp như ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu RTN; Kế hoạch hành động về quản lý RTN đại dương đến năm 2030; phát động Phong trào chống RTN… Bên cạnh đó, hàng năm, các ngành, các địa phương trong tỉnh duy trì các đợt ra quân vệ sinh môi trường, phân loại RTN, xóa “điểm đen” về rác thải; chú trọng kiểm soát, xử lý tình trạng vứt bỏ RTN bừa bãi ra môi trường thông qua các hoạt động cụ thể như thu vớt, dọn dẹp vệ sinh môi trường lòng sông, bãi biển.... Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm đối với việc xả rác thải là túi ni lông, vỏ chai nhựa… ra các tuyến đường giao thông, bãi đất trống, sông, kênh…; thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn, tăng cường vận động người dân thực hiện phân loại rác ngay tại hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 77,8%) đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy, góp phần giảm 30 - 50% lượng rác thải đưa đi xử lý, trong đó có một lượng đáng kể là RTN.
Đặc biệt, trước nguy cơ ô nhiễm đại dương trên toàn cầu cũng như trong nước, những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hưởng ứng các chương trình hành động quốc tế về BVMT biển, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo tăng cường quản lý, xử lý rác thải vùng biển; chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, huy động sự tham gia của người dân tổ chức điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải có thành phần nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu về RTN đại dương của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, RTN từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý RTN phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: Dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, quán nước ven biển, du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản; ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ bừa bãi ngư cụ xuống biển đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển, xả thải RTN vào nguồn nước.
Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, RTN ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp; công khai danh tính những trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, RTN ra biển. Trong lộ trình dài hơi, các huyện có biển đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển Quất Lâm, Thịnh Long, Khu du lịch sinh thái biển Nghĩa Hưng một năm hai lần; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý RTN tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng. Tăng cường đầu tư hệ thống thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, RTN phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường vùng ven biển; đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi và tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng RTN ở các lưu vực sông, các khu du lịch ven biển, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng RTN phát sinh; giảm thiểu 50% RTN trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần…
Được phát động trước bối cảnh địa phương thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao trong cuộc chiến chống RTN của định phương, Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp thêm động lực cho địa phương trong việc nỗ lực đạt được các mục tiêu đề ra. Bởi không riêng Nam Định mà tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, RTN trong trường học đã và đang là vấn đề nan giải. Ống hút nhựa, hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần, đồ uống đóng chai, kẹo cao su, túi ni lông… bên cạnh những tiện lợi nhất định, những đồ dùng này đang tạo ra một lượng rác thải không nhỏ. Cuộc thi hứa hẹn tạo ra một sự thay đổi lớn, mang tính nền tảng, bắt đầu từ những công dân trẻ tuổi - đối tượng có khả năng hấp thụ kiến thức và thay đổi thói quen dễ dàng hơn so với lứa tuổi khác. Bên cạnh đó, Cuộc thi còn tạo ra những tác động đối với những người có ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới các em học sinh như các thầy cô giáo, những người làm công tác đoàn đội, công tác quản lý, có liên quan thường xuyên như đội ngũ nhân viên phục vụ, kinh doanh, phụ trách căng tin trong nhà trường… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh trong việc nói không với RTN, giảm thiểu RTN trong trường học một cách hiệu quả và thiết thực.
Thu Hằng