12/08/2024
Sở TN&MT Lạng Sơn vừa ban hành Văn bản số 2109/STNMT-MT ngày 7/8/2024 về việc triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Theo đó, Sở TN&MT đề nghị các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp chủ động rà soát, điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; tổng hợp các thông tin gửi về Sở TN&MT trong kỳ báo cáo định kỳ hàng năm để Sở tổng hợp chung trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khẩn trương xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy phép môi trường. Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường có thể được lồng ghép, tích hợp, phê duyệt cùng các kế hoạch ứng phó sự cố khác (bao gồm cả nội dung phòng ngừa, ứng phó các sự cố có thể xảy ra trong mùa mưa bão, nguy cơ sạt lở, tràn, đổ, rò rỉ, phát tán chất thải ra môi trường) và phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2, Điều 108, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường của cơ sở; gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường tới UBND cấp xã và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện. Đối với các dự án, cơ sở nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm cung cấp nội dung kế hoạch cho Ban Quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đức Anh