23/02/2024
Đây là một trong những nội dung của Quy chế quản lý đối với khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà do UBND TP. Hải Phòng ban hành ngày 1/2/2024 nhằm phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại đây.
Một số nội dung trọng tâm của Quy chế quản lý đối với Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà bao gồm: sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi tường và thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Cụ thể, TP. Hải Phòng yêu cầu, các nguồn tài nguyên trong Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà phải được điều tra, đánh giá về thành phần loài, nguồn gen, hệ sinh thái, trữ lượng, khả năng tái sinh… từ đó có căn cứ để lập kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Đồng thời, gắn kế hoạch sử dụng tài nguyên phải với việc giữ cân bằng hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà.
Đặc biệt, việc bảo tồn đa dạng sinh học phải được thực hiện dựa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan. TP. Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tính đến việc thiết lập các ngân hàng gen, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Đảo Cát Bà là nơi sinh sống của loài voọc đuôi dài quý hiếm. (Ảnh minh hoạ)
Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, các đơn vị này phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý nước thải, chất thải và biện pháp BVMT để ngăn chặn việc phát tán ô nhiễm vào môi trường.
Liên quan đến môi trường sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, TP. Hải Phòng yêu cầu không xây dựng các công trình, trừ những công trình phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng lõi - khu vực dành riêng cho bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của khu dự trữ sinh quyển.
Đối với vùng đệm - khu vực bao quanh vùng lõi, khu vực góp phần hạn chế hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi, chỉ chấp nhận các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không làm vỡ cân bằng sinh thái.
Tại vùng chuyển tiếp - khu vực tập trung đông dân cư, có các hoạt động sinh kế của cộng đồng, việc thực hiện các công trình xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, quy hoạch xây dựng và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo…
Bên cạnh những quy định nghiêm ngặt về công tác BVMT, UBND thành phố Hải Phòng cũng rất chú trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Cụ thể, thành phố Hoa phượng đỏ yêu cầu Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học trình UBND thành phố và cơ quan có liên quan phê duyệt theo từng năm. Hoạt động nghiên cứu khoa học chú trọng vào việc thu thập mẫu vật, nguồn gen, vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu vật… Cùng với đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hướng tới các giải pháp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, BVMT…
Thu Hằng