09/09/2023
Nhằm lan tỏa và tôn vinh những kinh nghiệm, ý tưởng, mô hình, sáng kiến hữu ích trong giảm thiểu và xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng trong sinh hoạt và sản xuất nhằm giảm thiểu, quản lý và xử lý hiệu quả chất thải nhựa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, ngày 8/9/2023, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT) đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, đại diện Ban Tổ chức Vũ Minh Lý phát biểu tại Lễ phát động
Theo đó, Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững” được phát động quy mô trên toàn quốc, với đối tượng dự thi gồm các cá nhân và tập thể có các sáng kiến, giải pháp và mô hình hiệu quả trong giảm thiểu và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nhựa. Hồ sơ dự thi gồm bản đăng ký theo mẫu của Ban Tổ chức, ảnh của cá nhân/tập thể, ảnh chụp về mô hình/sáng kiến, video mô tả chi tiết về quá trình thực hiện và vận hành sáng kiến... Cuộc thi khuyến khích các hồ sơ có tính mới, tính sáng tạo và tính ứng dụng cao trong thực tiễn và các mô hình được xây dựng từ nguyên vật liệu có sẵn, giá thành rẻ, dễ sử dụng, kỹ thuật không quá phức tạp hoặc được tái sử dụng tái chế từ các phế liệu trong sản xuất, sinh hoạt...
Thời gian nhận hồ sơ được tính từ thời điểm phát động đến hết ngày 30/6/2024. Địa chỉ nhận hồ sơ dự thi: Trung tâm Dịch vụ và Tổ chức sự kiện, Tầng 5, Tòa nhà Báo TN&MT, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến vào quý III năm 2024, với tổng số 20 giải thưởng gồm 02 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng/giải, 04 giải Nhì trị giá 8 triệu đồng/giải, 06 giải Ba trị giá 5 triệu đồng/giải, 08 giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Quang cảnh Lễ phát động
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT, đại diện Ban Tổ chức Vũ Minh Lý nhấn mạnh, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỉ XXI. Đây là cơ hội để thế giới chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và văn bản hướng dẫn dưới Luật. Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường đã góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.
Trên cơ sở đó, đại diện Phó Giám đốc Vũ Minh Lý kêu gọi các cá nhân, tập thể trên cả nước tham gia dự thi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Cuộc thi “Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”. Những ý tưởng và mô hình, giải pháp hay được trao giải từ Cuộc thi sẽ góp phần tạo lên nguồn tư liệu phong phú và các kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế…
Trần Tân