11/09/2014
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới tại thành phố Doha, Qatar
Trong niềm vui và sự tự hào, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Đặng Thị Bích Liên - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam xúc động phát biểu:
“Vào thời điểm đáng ghi nhớ này, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi bày tỏ lòng cám ơn chân thành tới các Quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định ghi Quần thể danh thắng Tràng An vào Danh mục Di sản Thế giới. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung tâm Di sản Thế giới, IUCN và ICOMOS trong việc hỗ trợ nhận diện và hoàn thiện hồ sơ Tràng An, đồng thời cám ơn cộng đồng dân cư tại Tràng An và tỉnh Ninh Bình đã tham gia gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Việc ghi danh của Ủy ban Di sản Thế giới đối với Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam là vinh dự to lớn, đồng thời cũng trao cho chúng tôi trọng trách bảo vệ, quảng bá những Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản và chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai.
Nhân dịp này, một lần nữa chúng tôi xin cam kết thực hiện nghiêm túc Công ước Di sản Thế giới trong việc bảo vệ các Di sản Thế giới ở Việt Nam”.
Lần đầu tiên Việt Nam tham dự kỳ họp của UNESCO với tư cách là một trong 21 quốc gia thành viên của Ủy ban
Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau là: Di tích Cố đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh Đặc dụng Hoa Lư.
Có thể nhận thấy tầm quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An thông qua việc Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xếp hạng hàng loạt các di tích thuộc khu di sản ở tất cả các cấp độ khác nhau, bao gồm 18 di tích cấp tỉnh, 21 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Giá trị Nổi bật Toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên 3 trụ cột chính, đó là:
1 - Đạt được các tiêu chí:
Tiêu chí (v) về Văn hóa: Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.
Tiêu chí (vii) về Vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp karst của Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng.
Tiêu chí (viii) về Địa chất - Địa mạo: Quần thể Danh thắng Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.
2 - Đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực
3 - Đã thực thi và bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các cơ quan liên quan, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị di sản, trên cơ sở đó hoàn thiện bộ hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Tràng An có chất lượng khoa học cao.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực to lớn nhằm bảo vệ di sản trước những tác động của thiên nhiên và con người, giữ nguyên Giá trị Nổi bật Toàn cầu của di sản.
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Thế giới tại Kỳ họp lần này, nâng tổng số các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam lên 8 khu di sản, đặc biệt, Tràng An trở thành Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.
Đồng thời, khẳng định những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa và thiên nhiên của đất nước cũng như của toàn nhân loại.
Theo dantri.com.vn