Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

Tiềm năng và giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam

30/06/2025

    Nhằm hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% phát thải khí mê tan (CH4) so với năm 2020, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-zôn với lộ trình đưa thị trường các-bon đi vào hoạt động từ năm 2028. Tiếp đó, tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK. Đặc biệt, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ chủ động chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mà ngày càng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế thông qua việc thực hiện nhiều hoạt động tích cực góp phần bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải KNK, hướng tới bán tín chỉ các-bon và xây dựng một nền kinh tế xanh trong tương lai gần.

    1. Khái quát về tín chỉ các-bon

    Tín chỉ các-bon (các-bon credit) là chứng nhận phát thải khí các-bon dioxide (CO2) hoặc KNK khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). 1 tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ các-bon; CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon. Luật BVMT năm 2020 quy định, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí CO2 hoặc khí CO2 tương đương [1]. Tín chỉ các-bon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định khí CO2tđ, có thể là CO2 hoặc KNK khác (CH4, N2O). Mỗi doanh nghiệp (DN) hay cơ sở sản xuất sẽ có một định mức cụ thể về lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường, nếu cao hơn mức quy định, những đơn vị này sẽ phải mua thêm tín chỉ các-bon để không vi phạm quy định chung về BVMT. Ngược lại, nếu lượng phát thải thực tế nhỏ hơn mức giới hạn thì cơ sở đó có thể bán số tín chỉ các-bon chưa sử dụng cho những đơn vị có nhu cầu.

    Thị trường các-bon chính là nơi diễn ra giao dịch mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc quốc gia; là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải KNK và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa các-bon. Hiện nay có hai loại thị trường các-bon: (i) Thị trường các-bon bắt buộc (compliance carbon market - CCM), là thị trường mà việc mua bán tín chỉ các-bon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) để đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK. Thị trường này mang tính bắt buộc, chủ yếu dành cho những dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (PTBV) - (SDM) hoặc Cơ chế đồng thực hiện (JI); (ii) Thị trường các-bon tự nguyện (voluntary carbon market - VCM), là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng chính sách về môi trường, xã hội, quản trị DN và giảm dấu chân các-bon (tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người và cũng là vòng đời cuối cùng của một sản phẩm hoặc dịch vụ đó) theo mục tiêu Net-Zero mà họ tự công bố.

Khí thải nhà kính trực tiếp từ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi

Nguồn: Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), 2021

    Trên thị trường các-bon, có 2 loại tài sản chính được giao dịch: Loại thứ nhất là hạn ngạch phát thải KNK. Theo đó, Chính phủ sẽ phân bổ, phát hành hạn ngạch bắt buộc trong một chu kỳ cho các nhóm DN nằm trong danh sách cần quản lý phát thải KNK. Nếu DN, cơ sở không phát thải hết trong hạn ngạch được quyền sở hữu thì có thể bán và ngược lại, nếu thiếu sẽ phải mua thêm hạn ngạch từ DN thừa để bù vào. Giá hạn ngạch thường rất cao, có thể lên đến 100 euro/tấn. Loại thứ 2 là tín chỉ các-bon tự nguyện, được tạo ra từ việc giảm phát thải KNK đã được chứng nhận, với một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 đã được tránh (không phát thải) hoặc hấp thụ với mức tham chiếu. Nghĩa là khi DN đầu tư vào những mô hình kinh doanh giảm phát thải như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý sẽ thực hiện phê duyệt, thẩm định lượng giảm và tạo ra tín chỉ các-bon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá thấp hơn nhiều, dao động từ 1 - 25 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.

    2. Tiềm năng phát triển thị trường các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam

    Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phát thải khoảng 88,6 triệu tấn CO2e/năm, trong đó, 75% tổng lượng khí thải ở lĩnh vực này là CH4, riêng canh tác lúa chiếm 48% tổng lượng phát thải KNK và hơn 75% lượng phát thải khí CH4. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 40 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch, trong đó hơn 20 triệu tấn được đốt trực tiếp ngoài đồng ruộng, làm mất dinh dưỡng trong đất, tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường không khí, mất đa dạng sinh học. Do vậy, phát triển lúa gạo theo hướng bền vững, ít phát thải đang trở thành yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH. Cùng với sản xuất lúa, lượng phát thải KNK trong chăn nuôi đứng thứ hai, chiếm khoảng 23%, chủ yếu là khí CH4 từ quá trình tiêu hóa của gia súc và khí nitơ oxit (N2O) từ phân bón, chất thải động vật. Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% lượng rơm rạ và phụ phẩm sau thu hoạch phải được thu gom, xử lý, chế biến theo nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn.

    Từ khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải KNK, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050, phát triển thị trường các-bon do đó được coi là nhiệm vụ trọng tâm tại các văn bản chiến lược quốc gia như Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm ứng phó với  BĐKH, BVMT và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Đặc biệt, nhằm phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, hỗ trợ giảm phát thải KNK theo cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí thấp, đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải; thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh DN, phát triển kinh tế các-bon thấp, ứng phó hiệu quả với BĐKH... ngày 24/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, với mục tiêu từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, sàn giao dịch các-bon trong nước sẽ được vận hành thí điểm và đi vào vận hành chính thức từ năm 2029. Theo đó, Việt Nam sẽ chủ động thành lập, phát triển thị trường các-bon theo mô hình tập trung, đảm bảo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước [2].

    Tuy nhiên, nhờ việc thực hiện hiệu quả giảm phát thải trong một số ngành, tiêu biểu là lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, Việt Nam đã thu được nhiều lợi nhuận từ thị trường giao dịch tín chỉ các-bon thông qua hoạt động mua bán, tài trợ của các tổ chức quốc tế. Cụ thể, Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho lộ trình giảm phát thải trong nông nghiệp từ năm 2014, khởi đầu bằng việc xây dựng Đề án thí điểm giảm phát thải các-bon rừng tại khu vực Bắc Trung bộ. Trong nỗ lực chung tay cùng cộng đồng quốc tế chống BĐKH theo tinh thần Nghị định thư Kyoto, ngày 22/10/2020, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), thuộc Ngân hàng thế giới (WB) về chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp (FCPF), tổng số tiền là 51,5 triệu USD (có thể tăng thêm tối đa 5 triệu tấn CO2) với đơn giá 5 USD/tấn CO2. Đến năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chuyển nhượng thành công cho FCPF thông qua WB 10,3 triệu tấn CO2, thu về 51,5 triệu USD như ký kết, tương đương 1.200 tỷ đồng, trong đó 95% lượng chuyển nhượng được tính vào NDC, điều này giúp Việt Nam lọt vào Top 15/60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ các-bon [3].

    Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia triển vọng nhất về tín chỉ các-bon, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, với nhiều DN nông nghiệp tiên phong chuyển đổi sang mô hình kinh doanh phát thải thấp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường các-bon tự nguyện ngày càng phát triển, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải KNK, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… Việt Nam cũng đang tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, một dự án quan trọng nhằm giảm phát thải khí CH4. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2022, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 43 - 45 triệu tấn lúa, tương đương 26 - 28 triệu tấn gạo; xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn ở Top đầu thế giới, đạt mức từ 5 - 7 triệu tấn/năm, giá trị trên 2 tỷ USD. Đi kèm với đó, kết quả kiểm kê KNK cho thấy, mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 100 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi và chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK trên cả nước. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50%; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật chiếm khoảng 1,6%, còn lại là xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp [4]. Điều này cho thấy, nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn để tạo ra tín chỉ các-bon, góp phần giảm phát thải toàn diện, đảm bảo mục tiêu BVMT cũng như đóng góp cho việc thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050. Hiện tại, mỗi tín chỉ các-bon được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD, riêng ngành nông nghiệp Việt Nam tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ các-bon/năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể thu về khoảng 300 triệu USD/năm từ việc bán tín chỉ các-bon. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân, DN thay đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh, số hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất giảm phát thải, hướng đến mục tiêu PTBV [5].

Các nguồn phát thải và giải pháp giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nông nghiệp

    Mặt khác, việc trao đổi tín chỉ các-bon ra thế giới đã được nhiều DN Việt Nam thực hiện từ giữa những năm 2000, khi triển khai các chương trình, dự án theo CDM. Hiện có hơn 300 chương trình, dự án đăng ký thực hiện theo tiêu chuẩn tín chỉ các-bon, với khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường các-bon thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Tính riêng tín chỉ các-bon thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam đứng thứ 9/80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ các-bon, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo [6]. Đáng chú ý, nhiều DN Việt Nam đã tham gia các cơ chế bù trừ tín chỉ các-bon tự nguyện, với 20 DN được cấp tín chỉ VCS (Cơ chế tiêu chuẩn các-bon được thẩm định), 21 DN được cấp tín chỉ GS (Cơ chế tiêu chuẩn vàng), tổng lượng tín chỉ đạt hơn 3,9 triệu tấn CO2e.     Trên thực tế, trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ các-bon, tổng giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD, trong đó, Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi xây dựng được 181.683 công trình khí sinh học, giúp xử lý chất thải chăn nuôi, tạo ra năng lượng sạch và giảm phát thải KNK, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Thông qua Chương trình, Việt Nam đã bán được 3.072.265 đơn vị tín chỉ các-bon, thu về 8,1 triệu USD [7]. Chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho 1 triệu người dân tại 53 tỉnh, thành phố, bằng cách hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ, hướng tới giảm phát thải KNK trong sản xuất, chăn nuôi.

    Có thể nói, với tiềm năng đáng kể và dư địa phát triển từ nông nghiệp, Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô tín chỉ các-bon từ hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế và góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như đã cam kết.

    3. Đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới

    Để thị trường tín chỉ các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự huy triển hiệu quả và đúng hướng, thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

    Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, năm 2023 giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta đạt khoảng 54 tỷ USD và năm 2024 đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm 2023; xuất siêu ngành nông nghiệp cũng đạt 18,6 tỷ USD, cao gấp nhiều lần mức 6,5 - 12,2 tỷ USD của giai đoạn 2015 - 2023. Tuy nhiên, thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là vấn đề giảm phát thải KNK và giao dịch tín chỉ các-bon mà cuộc Cách mạng chuyển đổi xanh toàn cầu đặt ra, nhằm tiếp tục giữ được vị thế quan trọng trong bản đồ an ninh lương thực thế giới. Để thực hiện cuộc Cách mạng xanh toàn cầu và cam kết Net-Zero về phát thải KNK, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước được coi là thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã xây dựng hàng rào kỹ thuật giảm phát thải KNK và thuế các-bon, hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đến nay, khoảng 30 quốc gia trên thế giới triển khai tính thuế các-bon và từ tháng 1/2025, nếu Việt Nam xuất khẩu nông sản vào một số thị trường, cần chứng minh hàng hóa đó không xuất phát từ việc phá rừng; từ tháng 1/2026, các thị trường quốc tế của nông sản Việt Nam sẽ áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật về phát thải các-bon. Trước những yêu cầu khắt khe này, Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng trong nỗ lực giảm phát thải KNK ngành nông nghiệp cũng như tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ các-bon, nhằm phát huy lợi thế của một quốc gia nông nghiệp, tăng vị thế cạnh tranh của nông sản; mang lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp, thu lợi nhuận từ hoạt động mua bán, trao đổi tín chỉ các-bon.

    Thứ hai, cần tập trung nguồn lực xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, nhằm thúc đẩy giao dịch tín chỉ các-bon nội địa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, cần có cơ chế riêng biệt hỗ trợ về quy trình sản xuất, đo đếm, kiểm định, công nhận tín chỉ các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn nữa, để cạnh tranh hiệu quả trên thị trường tín chỉ các-bon quốc tế, Việt Nam cần chú trọng tổ chức các hoạt động thẩm định, đo đạc, đảm bảo chất lượng bền vững trong sản xuất kinh doanh và cung ứng tín chỉ các-bon. Các hoạt động này phải được xây dựng với định hướng phát triển lâu dài, bởi chỉ khi nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững từ từng địa phương đến toàn quốc, Việt Nam mới khẳng định được vị thế trên thị trường tín chỉ các-bon toàn cầu.

Lắp đặt hệ thống đo lường giảm phát thải ở đồng bằng sông Cửu Long

    Thứ ba, nếu tận dụng tốt tiềm năng hiện có, Việt Nam có thể thu được nguồn lợi đáng kể từ hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon, tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng đến vấn đề giảm phát thải. Nhận thức của người sản xuất về nội dung liên quan đến các-bon, các-bon thấp còn hạn chế, trong khi thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp, chi phí sản xuất lúa theo quy trình canh tác các-bon thấp lại khá cao. Mặt khác, điều kiện hạ tầng thủy lợi tại nhiều vùng chưa bảo đảm để áp dụng các biện pháp giảm phát thải như tưới ngập khô xen kẽ; quản lý nguồn phát thải rơm rạ, phân bón chưa tối ưu... Đây cũng là nội dung mà khảo sát của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc đã chỉ ra, cường độ phát thải trong sản xuất gạo của Việt Nam (tấn CO2e/tấn gạo) cao hơn Ấn Độ, Trung Quốc, trong khi Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán tín chỉ các-bon lúa gạo. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của việc giảm phát thải KNK và thị trường các-bon; giao các trường đại học, học viện xây dựng chương trình đào nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức cơ bản về thị trường các-bon cho người dân, DN, hợp tác xã, sinh viên đại học, học sinh phổ thông. Cùng với đó, tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải KNK và giao dịch thị trường các-bon; nghiên cứu tác động từ quy định thị trường các-bon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đề xuất giải pháp ứng phó phù hợp để hỗ trợ người dân, DN. Đồng thời, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, chính sách hấp dẫn, cụ thể, thiết thực để khuyến khích người dân, DN tích cực tham gia vào thị trường các-bon, vừa hướng đến mục tiêu PTBV, vừa làm gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp… trên cơ sở tham khảo bài học của một số quốc gia Liên minh châu Âu, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản…

    Thứ tư, nông nghiệp Việt Nam với vị trí là ngành đóng góp cao thứ hai vào phát thải KNK ở Việt Nam đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, trong bối cảnh đó, Đề án phát triển 1 triệu ha lúa phát thải thấp được nhận định sẽ tạo ra tín chỉ các-bon, góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là đề án hướng tới sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó áp dụng các quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp để PTBV ngành lúa gạo, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống của người trồng lúa; tín chỉ các-bon chỉ nên xem là một phần của cuộc chuyển mình. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện kiểm kê, báo cáo, xác nhận tín chỉ các-bon, điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ, chi phí và việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ đám mây hay blockchain vào sản xuất được coi là chìa khóa để quản lý, khai thác hiệu quả tín chỉ các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp.

    Thứ năm, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, việc phát triển, đo đếm, công nhận tín chỉ các-bon vẫn gặp nhiều khó khăn, một số hệ thống sản xuất nông nghiệp thậm chí có thể làm tăng phát thải KN thay vì giảm thiểu, ví dụ như hệ thống canh tác lúa nước hay chăn nuôi không thu khí sinh học [8]. Vì vậy, các phương pháp này cần được chuẩn hóa cho phù hợp với từng hệ thống sản xuất nông nghiệp và áp dụng rộng rãi để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong việc cấp chứng nhận tín chỉ các-bon. Ngoài ra, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-zôn với lộ trình đưa thị trường các-bon đi vào hoạt động từ năm 2028 được xem là cơ hội cho những đơn vị có mức phát thải thấp tham gia vào trao đổi tín chỉ các-bon bằng cách áp dụng giải pháp giảm phát thải KNK. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với những đơn vị có mức phát thải cao khi phải thực hiện báo cáo phát thải hàng năm và thực hiện chặt chẽ kế hoạch giảm phát thải, đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về công nghệ, nhất là với sản xuất nông nghiệp. Tín chỉ các-bon là lượng CO2tđ được giảm phát thải/loại bỏ hoặc là sản phẩm của quá trình áp dụng biện pháp giảm phát thải KNK, lưu trữ các-bon. Do đó, để đạt được tín chỉ các-bon, lĩnh vực nông nghiệp cần phải chú trọng đến hoạt động giảm phát thải KNK và lưu trữ các-bon.

Lê Văn Viên

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)

    Tài liệu tham khảo:

    1. Quốc hội, 2020. Luật BVMT năm 2020.

    2. Thủ tướng Chính phủ, 2025. Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

    3. Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA) năm 2023.

    4. Bộ NN&PTNT, 2022. Báo cáo số liệu thống kê về sản lượng và kiểm kê lượng phát thải KNK trong trồng trọt, chăn nuôi giai đoạn 2016 – 2022.

    5.  Quảng Tuệ, 2024. Bán tín chỉ các-bon: Tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp. https://vneconomy.vn/ban-tin-chi-carbon-tiem-nang-lon-cua-nganh-nong-nghiep.htm.

    6. D. Ngân, 2025. Cơ hội cho thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam.  https://baodautu.vn/co-hoi-cho-thi-truong-tin-chi-carbon-tai-viet-nam-d242874.html.

    7. Hoàng Thanh Hà, 2022. “Tài chính các-bon: Xúc tác thúc đẩy cho tiếp cận năng lượng tái tạo”. Tài liệu tham luận tại Hội thảo quốc tế chuyên đề “Phát triển khí sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - Tiềm năng và thách thức”.

    8. Tạ Đình Thi, 2024. “Góc nhìn: Nâng cao chất lượng các chương trình giám sát”. Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Truy cập từ  https://quochoi.vn/tintuc/Pages/goc-nhin. aspx?ItemID=89625.

    9. World Bank Group, 2022. “Việt Nam - Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển”. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế/Ngân hàng Thế giới, pp 104. https://www.ifc.org/content/dam/ifc/doc/mgrt/ccdr-full-report-vie-1107.pdf.

Ý kiến của bạn