Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy thực thi chính sách tiêu dùng xanh tại Việt Nam

11/03/2024

    Tiêu dùng xanh (TDX) đã trở thành xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển và lan tỏa mạnh mẽ sang những nước đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Sự hợp tác giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên liên quan khác có thể mang lại giải pháp bền vững hơn trong hệ thống sản xuất - tiêu thụ, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành và thực thi chính sách TDX với nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) và cán bộ cơ quan nhà nước liên quan đến TDX, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh hay mở rộng thị trường phân phối cho sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thực phẩm hữu cơ hoặc các sản phẩm xanh khác. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách TDX ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế xanh (KTX) và bền vững ở Việt Nam.

1. Tổng quan về TDX

    1.1. Khái niệm

   Thuật ngữ TDX xuất hiện từ những năm 1960 tại châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 1963, Tổ chức quốc tế của Hiệp hội người tiêu dùng (International Organization of Consumer Unions - IOCU) lần đầu tiên đề xuất khái niệm về TDX và cho rằng người tiêu dùng nên có các nghĩa vụ xanh. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, thuật ngữ này vẫn được sử dụng với nhiều tên gọi và cách tiếp cận khác nhau, cụ thể: Theo Mainieri và cộng sự (1997) “TDX là các hành vi mua sắm sản phẩm thân thiện, có lợi cho môi trường, đó là những sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu dài hạn về bảo vệ, bảo tồn môi trường”. Theo Chan (2001), TDX thể hiện trách nhiệm BVMT thông qua việc lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, có cách tiêu dùng và xử lý rác thải hợp lý. Theo Nguyễn Thế Khải và Nguyễn Thị Lan Anh (2016), TDX không chỉ dừng lại ở các hành vi mua sắm xanh mà còn là chuỗi các hành vi được nhìn nhận dưới quan điểm phát triển bền vững (PTBV): Mua thực phẩm sinh thái, tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm và sử dụng hệ thống giao thông thân thiện với môi trường. Các tác giả Bích Ngọc (2020) và Vũ Phong (2021) thì cho rằng, TDX là việc mua và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người, không đe dọa đến hệ sinh thái (HST) tự nhiên... Tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, TDX, bền vững lại được định nghĩa là việc mua, sử dụng, tuyên truyền hàng hóa/dịch vụ thân thiện với môi trường, không gây nguy cơ cho sức khỏe con người để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên, các chất độc hại; đồng thời, giảm phát thải, chất gây ô nhiễm trong chu trình sống, không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các HST tự nhiên và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau.

    Từ các quan niệm trên cho thấy, bản chất của TDX là hoạt động mua, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường của con người, hướng tới gìn giữ, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, BVMT, không đe dọa đến HST tự nhiên, qua đó đóng góp vào mục tiêu TTX của nền kinh tế.

1.2. Vị trí, vai trò

    TDX là một trong những thành tố tạo nên tiêu dùng bền vững (TDBV) và góp phần vào mục tiêu TTX đã được phê duyệt tại Chiến lược quốc gia về TTX, từ đó thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng về xã hội; hướng tới nền KTX, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, TDX là một trong 4 mục tiêu lớn, cụ thể được đặt ra tại Chiến lược quốc gia về TTX, bao gồm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy TDBV; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Giữa 4 mục tiêu nêu trên không tồn tại một cách rời rạc mà có sự tác động, tương hỗ lẫn nhau, việc thực hiện từng hành động, tiến đến hoàn thành mỗi mục tiêu cụ thể sẽ góp phần triển khai hiệu quả các mục tiêu còn lại. Vì vậy, các biện pháp, giải pháp áp dụng phải được tiến hành một cách đồng thời, đồng bộ, trong đó, TDX, TDBV là mục tiêu trọng tâm, hướng người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường, từ đó buộc các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nếu muốn tồn tại và phát triển phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thực hiện cam kết Net-Zero vào năm 2050.

    1.3. Lợi ích của TDX

    Thân thiện với môi trường: TDX có tác động tích cực lên môi trường sống thông qua việc giảm thiểu lượng rác thải, tiết kiệm tài nguyên và giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường. Người TDX là những người có thói quen mua sản phẩm thân thiện với môi trường, với thiên nhiên, đồng thời hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều bao bì, hoặc trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

    An toàn, tiết kiệm: Những thứ làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường thì luôn an toàn cho người sử dụng, mặt khác, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm như túi đựng bằng giấy, tre, nứa… thay cho các sản phẩm sử dụng một lần sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí, giảm chi tiêu của gia đình. Ngoài ra, tăng cường sử dụng sản phẩm hữu cơ và tự nhiên; giảm thiểu sử dụng những sản phẩm có chứa chất hóa học độc hại; giảm thiểu lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng… có thể giúp cải thiện sức khỏe, giảm tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo tồn Hành tinh xanh.

    Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Sản phẩm tái chế giúp chúng ta tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách tốt nhất, đáp ứng mục tiêu PTBV ở hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai. TDX cũng giúp tạo ra một cộng đồng nhận thức về tác động của hành vi tiêu dùng đến môi trường và khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động BVMT, tạo ra một cộng đồng sống xanh.

    Khuyến khích sản xuất: Việc sử dụng sản phẩm hữu cơ, tự nhiên sẽ giúp các DN được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới… từ đó khuyến khích sản xuất phát triển. Ngoài ra, TDX còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp tái chế, tái sử dụng, tạo ra cơ hội việc làm và kích thích sự đổi mới công nghệ để giảm thiểu tác động xấu lên môi trường.

2. Chính sách và quy định pháp luật hiện hành về TDX tại Việt Nam

    2.1. Chính sách của Nhà nước

    Mặc dù Việt Nam chưa có quy định riêng biệt về TDX nhưng nhiều nội dung liên quan đến TDX, TDBV đã sớm được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH là yêu cầu cấp thiết. Chiến lược nhấn mạnh tới các nội dung: (i) Nâng cao ý thức BVMT, gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển KT - XH; (ii) Chú trọng phát triển KTX, thân thiện với môi trường; (iii) Thực hiện sản xuất và TDBV; (iv) Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

    Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX, trong đó, lần đầu tiên thuật ngữ “TDBV” được đề cập, việc dán Nhãn sinh thái và phổ biến thông tin các sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội cũng được nhấn mạnh. Chiến lược cũng xác định việc chi tiêu công phải gương mẫu thực hiện theo tiêu chuẩn KTX, hướng đến mua sắm công xanh; khuyến khích TDBV trong khu vực DN, khu vực dân cư; xanh hóa lối sống và thúc đẩy TDBV. Đến năm 2013, vấn đề TDX, TDBV tiếp tục được đề cập tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Nghị quyết nêu rõ quan điểm: Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế; được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh tài nguyên; chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), vật liệu mới, tái chế. Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW nêu ra nhiệm vụ: (i) Quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; (ii) Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, NLTT, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới, thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống. Cụ thể là các chính sách: Tăng cường đầu tư phát triển, sử dụng năng lượng mới, NLTT; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng mới, NLTT trong tổng năng lượng quốc gia; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển năng lượng mới, NLTT. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên từ bên ngoài, phục vụ nhu cầu phát triển KT - XH trong nước; đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới để thay thế các loại tài nguyên truyền thống.

    Tiếp đó, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khoá XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Theo nội dung Kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan… tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7, Khoá XI, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, trong đó có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT, với từng nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: (i) Rà soát, bổ sung, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX; Chiến lược BVMT quốc gia; hoàn thiện cơ chế để thực hiện minh bạch hóa trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước. (ii) Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương; hạn chế tối đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dự án phát triển kinh tế sử dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, KNK, hủy hoại cảnh quan sinh thái, gia tăng rủi ro thiên tai, đặc biệt là vùng đầu nguồn nước, khu dân cư, vùng ven biển. (iii) Tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong công tác ứng phó với BĐKH.

    Ngoài ra, TDX còn được đề cập đến trong một số văn bản liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Luật Thuế BVMT; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và TDBV đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc xanh hóa hệ thống phân phối, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường… Mới đây nhất, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2023 cũng bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và TDBV.

    Những nhiệm vụ, chính sách của Bộ Chính trị, cụ thể là trong lĩnh vực TTX (bao gồm TDX, bền vững) hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định, mục tiêu xanh hóa lối sống và thúc đẩy TDBV được cụ thể hóa như sau: Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao, hòa hợp với thiên nhiên; thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu TTX, bền vững; tạo lập văn hóa TDBV trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

    Mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ CTR sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị TTX theo hướng đô thị thông minh, bền vững.

    Đến năm 2050: 100% CTR được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp CTR hữu cơ và chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị được xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và 100% nước thải được xử lý phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 15%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt 100% và ít nhất 40% số lượng xe buýt đầu tư mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 50%; ít nhất 45 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị TTX theo hướng đô thị thông minh, bền vững.

    2.2. Quy định của pháp luật hiện hành

    Hiện nay, thuật ngữ pháp lý TDX được định nghĩa tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 1658/QĐ-TTg là văn bản thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, điều này cho thấy, TDX là vấn đề rất mới, do đó cũng không ngạc nhiên khi ngoài Quyết định số 1658/QĐ-TTg, có đề cập trực tiếp một số nội xung quanh TDX theo dạng đi kèm với các quy định về TDBV thì các văn bản quy phạm pháp luật cấp độ Luật, Nghị định, Thông tư đều chưa có quy định riêng, quy định chuyên biệt về nội dung này. Các quy định hiện hành có liên quan đến TDX hiện đang tồn tại rải rác tại một số văn bản Luật, Nghị định, Thông tư, Kế hoạch… có liên quan đến quy định về BVMT; khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quản lý, sử dụng năng lượng; quản lý rác thải… như Luật BVMT năm 2020; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả năm 2010; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Thông tư số 25/2020/TT-BCT ngày 29/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030…

3. Khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp thúc đẩy TDX

    3.1. Khó khăn, thách thức

    Mặc dù chủ trương, chính sách, chiến lược về TDX đã khá toàn diện và đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy, việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách này thành quy định pháp luật và có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhằm tiến đến mục tiêu hạn chế, loại bỏ việc tiêu dùng hàng hóa không thân thiện với môi trường vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất đối với TDX là (i) Giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; (ii) Ý thức, trách nhiệm BVMT từ DN còn hạn chế và (iii) Thói quen tiêu dùng.

    (i) Giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ: Hiện nay, theo thống kê, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn so với các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông thường cùng loại từ 20 - 40%. Vì vậy, trong khi mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam còn thấp, thì việc cân nhắc để chọn lựa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường là rất khó đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể một cách máy móc buộc các DN, cơ sở kinh doanh, dịch vụ hàng hóa xanh phải giảm giá bán để cạnh tranh với hàng hóa thông thường, bởi lẽ, chi phí để sản xuất ra mặt hàng này khá tốn kém; đòi hỏi các tiêu chí cao về mặt quy trình sản xuất; vấn đề cung ứng, hệ thống dây chuyền, thiết bị, máy móc được sử dụng cũng có giá thành cao và gần như phải được đầu tư mới hoàn toàn; trình độ nhân sự tham gia vào quy trình sản xuất phải được đào tạo khoa học, bài bản… làm tăng chi phí đầu vào của khâu sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cấu thành vào giá thành sản phẩm, dẫn đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ này cao hơn so với hàng hóa, dịch vụ thông thường.

    (ii) Thói quen tiêu dùng: Như đã phân tích, TDX là khái niệm khá mới và tương đối xa lạ với số đông người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, vì vậy, từ nhận thức đến ý thức về việc BVMT, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang còn hạn chế. Đây là trở ngại rất lớn khi triển khai giải pháp và áp dụng quy định vào thực tiễn, bởi vì thói quen là thứ khó thay đổi nhất, người tiêu dùng Việt Nam đã quen với những sản phẩm, hàng hóa mang tính tiện lợi, tiết kiệm, có thể sử dụng được lâu dài và nhiều lần như túi ni lông để đựng thức ăn; chai nhựa để đựng đồ uống thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…

    (iii) Ý thức BVMT của DN: Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, 70% DN không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% DN khoogn quan tâm đến BĐKH; 60% DN không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh… (Trần Quang Vinh, 2022). Khó khăn lớn nhất của DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong sản xuất sản phẩm TDX là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: Lợi  nhuận và TTX. Vì phần lớn là DN vừa và nhỏ, nên việc đầu tư chi phí ban đầu lớn, tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. DN có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.

    3.2. Đề xuất giải pháp

    Nhằm đẩy mạnh TDX trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

    Về phía Nhà nước:

    Trước hết, Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về TDX, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ KTX đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia và cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, ngành nghề. Đồng thời, phải có chính sách khuyến khích phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất; xây dựng, nhân rộng các mô hình DN xanh; hỗ trợ giá cho sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng bá nhằm kích cầu tiêu dùng; huy động nguồn lực tài chính cho TTX, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về TTX; phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất, TDX của các DN nhà nước và các DN lớn trong nền kinh tế.

    Thứ hai, cần xây dựng, hoàn thiện, áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường. Ngoài ra, ưu đãi về thuế, bao gồm thuế đối với nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào để sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ xanh, thậm chí cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN đối với những DN đầu tư trong lĩnh vực này… Qua đó, rút ngắn chênh lệch về giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông thường và hàng hóa, dịch vụ xanh, đảm bảo người tiêu dùng có khả năng tiếp cận như nhau về mặt giá đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh.

    Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong BVMT đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về TDX; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người TDX, đồng thời, phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, TDX, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống.

    Thứ tư, việc tạo ra một xu hướng TDX tại Việt Nam đòi hỏi cần có sự hợp tác từ các cơ quan quản lý của nhà nước và sự quyết tâm đổi mới từ phía DN, do đó, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới để tiến hành trước một số chính sách cần thiết và khả thi như Chương trình gắn Nhãn xanh, Chính sách mua sắm xanh... Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích DN tạo lập các kênh phân phối và tiếp thị, nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó tạo được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm xanh.

Nhiều siêu thị đã nói không với túi ni lông, sử dụng lá chuối để gói rau củ, góp phần nhân rộng thói quen TDX

    Về phía DN:

    Cần tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng biết được lợi ích thiết thực mà sản phẩm xanh mang lại cho cộng đồng, cho môi trường. Cùng với đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm, DN cần chú trọng đến hoạt động phân phối, đảm bảo sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn.

    Ngoài ra, để tồn tại trong bối cảnh mới, DN buộc phải chấp hành tốt các quy định về BVMT; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, NLTT, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các DN phải luôn đặt vấn đề sức khỏe người của tiêu dùng lên hàng đầu, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Thái Huy Ngọc

Trường Đại học Nguyễn Huệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2024)

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2012), Chiến lược quốc gia về TTX, thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Chính phủ (2021), Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3.Chan R.Y.K. (2001). Determinants of Chinese consumers' green purchase behavior. Psychology & Marketing. 18(4): 389-413.

4. Nguyễn Thế Khải, Nguyễn Thị Lan Anh (2016), “Nghiên cứu ý định tiêu dùng xanh của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, số 11.

5. Bích Ngọc (2020), Hình thành xu hướng “Tiêu dùng xanh” để PTBV, http://consosukien.vn/hinh-thanh-xu-huong-tieudung-xanh -de- phat -trien- ben- vung.htm.

6. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

7. Trần Quang Vinh (2022), “Xanh hóa” DN từ áp lực của người tiêu dùng xanh (http://baotintuc.vn/nguoi-tieu-dung/xanh-hoa-doanh-nghiep-tu-ap-luc- cua-nguoi-tieu-dung-xanh-20220930104244909.htm.

8. Tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và một số đề xuất trong thời gian tới, ThS. Nguyễn Việt Anh - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và châu Âu (https://kinhtevadubao.vn/tieu-dung-xanh-o-viet-nam-hien-nay-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-trong-thoi-gian-toi-26698.html)

9. TDX nhìn xanh nhìn từ chính sách và quy định hiện hành tại Việt Nam (Tài liệu Hội thảo TDX và PTBV, hướng tới Netzero 2050).

Ý kiến của bạn