09/05/2024
Nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao và thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trong lĩnh vực TN&MT giai đoạn 2024 - 2025, mới đây, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2025 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.
Theo đó, để thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 ở cấp quốc gia, Bộ TN&MT tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, Bộ rà soát hệ thống văn bản pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình, tiêu chuẩn, tổ chức bộ máy trong lĩnh vực TN&MT, đối chiếu với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án 161) và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Từ đó, lựa chọn giải pháp phù hợp để xây dựng, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch cụ thể của Bộ TN&MT; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về TN&MT; xây dựng, lồng ghép vào các chiến lược, chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể về TN&MT; tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực TN&MT và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; tăng cường hệ thống thông tin, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu; thúc đẩy vận động, thu hút nguồn lực nghiên cứu, phổ biến các điều kiện, cơ chế hoạt động, hỗ trợ nguồn lực của các Quỹ trong ASEAN và các tổ chức đối tác; tổ chức các hội nghị đối tác về hợp tác ASEAN và hội nhập quốc tế của Bộ TN&MT. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện Đề án xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025…
Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2025 gồm các nhóm nội dung: Bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng thành phố bền vững về môi trường hướng tới ASEAN xanh, sạch, đẹp; xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường bền vững với sự tham gia tích cực của Chính phủ, cộng đồng, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ bền vững thông qua việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý rác thải, sử dụng nhiên liệu hiệu quả; nâng cao năng lực của các bộ máy, cơ quan, tổ chức, người dân để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu; truyền thông nâng cao nhận thức; tăng cường hội nhập, hợp tác, thu hút nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực…
Về tổ chức thực hiện, Bộ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch hành động có trách nhiệm: Chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện; báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Bộ TN&MT (qua Vụ Hợp tác quốc tế) định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ theo yêu cầu; chỉ đạo lập dự toán kinh phí để thực hiện Kế hoạch, tổng hợp chung vào dự toán của đơn vị, gửi Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch - Tài chính rà soát, tổng hợp, trình Bộ trưởng phê duyệt, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với những hoạt động trong Kế hoạch triển khai trong năm 2024, các đơn vị được phân công thực hiện có trách nhiệm sắp xếp, bố trí trong nguồn ngân sách năm 2024 được giao để tổ chức thực hiện.
Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, định kỳ báo cáo và đề xuất Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo nhằm bảo đảm Kế hoạch hành động được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; bám sát các mục tiêu 6 của Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 và những chương trình, đề án mà Bộ đang thực hiện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động hợp tác ASEAN trong trong lĩnh vực TN&MT; phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch vào năm 2025…
Từ Hội nghị Cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ 2, tháng 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Tầm nhìn đã hình dung về một cộng đồng ASEAN nhận thức rõ các mối quan hệ lịch sử, di sản văn hoá, gắn bó với nhau bởi bản sắc khu vực; gắn kết và đùm bọc nhau về mặt xã hội; trẻ em, vị thành niên, phụ nữ và người già được xã hội quan tâm; những người khuyết tật và bất lợi được quan tâm đặc biệt; quyền năng của xã hội dân sự được tăng cường; công bằng xã hội và nền pháp trị được đề cao; các vấn đề phúc lợi và nhân phẩm của con người được đề cao; một môi trường xanh và sạch được chú trọng… Với tầm nhìn đó, các nước ASEAN đã nhất trí sẽ xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, nhằm thúc đẩy hình thành ý thức về bản sắc khu vực, nhận thức về khu vực và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau trong nhân dân các nước ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 diễn ra ở Vientiane, Lào vào tháng 11/2004, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể và Kế hoạch hành động xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), gồm 6 đặc tố: (i) Phát triển con người; (ii) Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; (iii) Các quyền và bình đẳng xã hội; (iv) Đảm bảo môi trường bền vững; (v) Tạo dựng bản sắc ASEAN; (vi) Thu hẹp khoảng cách phát triển. Như vậy có thể thấy Cộng đồng ASEAN nói chung và ASCC nói riêng coi phát triển con người là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch. ASCC lấy con người làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, bằng cách tiến tới một bản sắc chung và xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tháng 11/2015 ở Malaixia), cùng với Tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới 2025. Theo đó, ASCC trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN tới 2025 đã làm rõ hơn nội dung Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, là Cộng đồng sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cụ thể, chạm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng, chi phí phù hợp. Học sinh, sinh viên, kỹ sư hay doanh nhân có thể tìm thấy cơ hội học tập, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, các nhóm yếu thế sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ. Lao động lành nghề trong 8 lĩnh vực đã có thỏa thuận công nhận lẫn nhau (kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa, du lịch) có cơ hội trải nghiệm việc làm tại tất cả các nước trong ASEAN và có thể kỳ vọng trong tương lai các thỏa thuận như vậy sẽ tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng sang nhiều ngành nghề khác. |
Bảo Bình