Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền về phân loại, giảm thiểu rác trên địa bàn tỉnh Phú Yên

02/10/2023

    Ngày 18/8/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU về tăng cường công tác BVMT, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Theo đó, Chương trình hành động xác định rõ nhiệm vụ tăng cường phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Hội đoàn thể trong công tác BVMT, trong đó trọng tâm là phân loại, giảm thiểu rác thải, trước mắtphấn đấu đến năm 2023, mỗi huyện, thị xã, thành phố hình thành được mô hình điểm về phân loại rác, đến năm 2025, đảm bảo 20% rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị được phân loại tại nguồn. Với với trò chính trị là hoạt động tuyên truyền, dân vận và nhờ đặc điểm là mạng lưới hội viên, đoàn viên đông đảo từ tỉnh đến xã nên các hội, đoàn thể là kênh tuyên truyền cực kỳ quan trọng. Xác định tầm quan trọng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ động ký kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh Phú Yên. Thông qua Chương trình phối hợp, nhiều mô hình phân loại, giảm thiểu rác được hình thành làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

    1. Giải pháp tăng cường phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc và hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền

    Phát huy vai trò của MTTQ và Hội đoàn thể, đồng thời phân công rõ trách nhiệm của các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện trong việc tổ chức triển khai cho từng nhiệm vụ, hoạt động nhằm hoàn thành tốt mục tiêu được giao tại Chương trình hành động số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 4/4/2022. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ Sở TN&MT chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể tỉnh nhằm định hướng triển khai và nhân rộng các mô hình/hoạt động BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu đạt hiệu quả, trong đó chú trọng về phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa.

    Đối với công tác BVMT, quan trọng nhất là hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Với vai trò chính trị là hoạt động tuyên truyền, dân vận và nhờ đặc điểm là mạng lưới hội viên, đoàn viên đông đảo từ tỉnh đến xã nên các hội, đoàn thể là kênh tuyên truyền cựcc kỳ quan trọng. Xác định tầm quan trọng trên, Sở TN&MT chủ động ký kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn. Thông qua Chương trình phối hợp, Sở TN&MT đóng vai trò định hướng nội dung, điều phối nên có sự tổng thể về quy mô các hoạt động tuyên truyền, từ đó đảm bảo hoạt động tuyên truyền về môi trường có trọng tâm và có chuỗi liên kết, tính kế thừa mở rộng, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến dàn trải. Do vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích thực hiện mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải thông qua xử lý rác hữu cơ tại chỗ thành phân hữu cơ (phân compost) và chất tẩy rửa sinh học đã được phát triển mạnh mẽ trong thười gian qua.

    2. Kết quả triển khai hoạt động phân loại, giảm thiểu rác và định hướng trong thời gian tới

    2.1. Kết quả triển khai hoạt động phân loại, giảm thiểu rác

    Thông qua phối hợp MTTQ Việt Nam và Hội đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác, đến nay, việc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Trên cơ sở hiệu quả từ phương pháp xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ hiếu khí và sản xuất nước tẩy rửa sinh học, nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương trong tỉnh quan tâm nhân rộng (như huyện Tây Hòa, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu, TP.Tuy Hòa,...). Tiêu biểu như: Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Din huyện Phú Hòa tạo ra sản phẩm nước rửa chén sinh học và nước lau sàn sinh học được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 03 sao năm 2021, hiện nay sản phẩm đã có mặt toàn quốc; Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Chóp Chài huyện Phú Hòa đang làm thủ tục đề nghị cấp OCOP cho sản phẩm nước rửa chén sinh học từ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub); mô hình ủ phân compost tại 30 hộ gia đình ở phường 7, TP.Tuy Hòa do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) hỗ trợ. Đặc biệt, giải pháp trên được nhiều tổ chức ngoài tỉnh quan tâm, học hỏi kinh nghiệm thông qua sự kết nối của WWF và Greenhub. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xem xét định hướng cho công tác phân loại, giảm thiểu rác dựa vào cộng đồng, một số mô hình tiêu biểu như sau:

    (1) Mô hình phân loại, ủ rác hữu cơ thành phân compost tại hộ gia đình và theo cụm quy mô nhỏ (<50 hộ/cụm):

    Triển khai tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền cấp huyện và lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt cho 9/9 huyện, thị xã, thành phố; đã hỗ trợ hơn 400 thùng ủ loại nhỏ cho các tổ chức, cá nhân.

    Phương thức thực hiện: Rác được phân thành 03 loại: rác tái chế (chai nhựa, vỏ lon…) được bán phế liệu; rác thải hữu cơ dễ phân hủy (lá cây, thức phẩm thừa,...) được ủ thành phân compost; rác còn lại chuyển cho đơn vị xử lý. Đối với hộ gia đình, rác hữu cơ dễ phân hủy được xử lý bằng thùng ủ hiếu khí (loại 120 lít, 220 lít) hoặc ủ hiếu khí dạng đống nếu nơi có đất rộng. Mô hình thí điểm ủ phân hữu cơ quy mô cụm tập trung (<50hộ) tại khu dân cư công viên N09, N05, N07 và chợ Bầu Đục thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa đã được triển khai thành công, cụm thùng ủ được đặt tại điểm công viên vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường và tính thẩm mỹ. Sau thời gian ủ, rác phân hủy trở thành phân hữu cơ và được người dân tận dụng bón cho cây trồng.

    (2) Mô hình Lực lượng tự quản môi trường/Câu lạc bộ tái chế rác thành nước tẩy rửa sinh học:

    Hình thành và đi vào hoạt động 3 Câu lạc bộ “Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học” tại xã Bình Ngọc – TP. Tuy Hòa, xã Hòa Đồng - huyện Tây Hòa và xã Xuân Quang 2 - huyện Đồng Xuân do Hội Phụ nữ xã quản lý. Hiện nay, trong đó sản phẩm nước rửa chén xã Bình Ngọc đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao vào tháng 8/2022 đã góp phần tăng uy tín cho sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm được chọn vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, mô hình được triển khai tại Chùa Bảo Lâm - TP. Tuy Hòa và chùa phật giáo Hòa Hảo Sơn Tự - thị xã Sông Cầu để tạo ra sản phẩm nhằm phục vụ cho cở sở và nhu cầu của tín đồ.

Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nước rửa chén sinh học tại cơ sở tôn giáo

    Lực lượng nòng cốt hướng dẫn cộng đồng, hàng quán phân loại riêng vỏ trái cây và tiến hành thu gom hàng ngày. Rác vỏ trái cây (cam, bưởi, khóm,...) được ủ thành nước tẩy rửa sinh học (nước rửa chén và nước lau sản, kính…).

    2.2. Định hướng phối hợp với MTTQ Việt Nam và Hội đoàn thể hỗ trợ địa phương hình thành mô hình phân loại rác

    Để người dân có điều kiện làm quen với phân loại rác nhằm thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác, việc nhân rộng mô hình phân loại rác dựa vào cộng đồng, tức là các tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng rác tự phục vụ theo nhu cầu, cần được ưu tiên triển khai ngay. Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam và Hội đoàn thể triển khai các giải pháp sau:

    (1) Thống nhất cách phân loại rác và kỹ thuật xử lý rác hữu cơ tại nguồn để tạo sản phẩm hữu ích trong cộng đồng

    Phương pháp phân loại rác: Hướng dẫn cộng đồng tập trung phân loại rác thành 03 loại: Thứ nhất, rác hữu cơ dễ phân hủy được thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost hoặc làm nước tẩy rửa sinh học. Thứ hai, rác tái chế được (giấy các loại, đồ nhựa, kim loại) tách riêng và đựng trong túi ni lông hoặc túi vải để bán ve chai. Thứ ba, rác vô cơ là các thành phần rác khó phân hủy còn lại không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.

    Kỹ thuật xử lý rác hữu cơ thành sản phẩm hữu ích: Ủ rác hữu cơ bằng phương pháp thùng ủ hiếu khí (hoặc ủ đống hiếu khí nếu vườn rộng); Tận dụng vỏ trái cây có tinh dầu, hoa để ủ thành nước tẩy rửa sinh học (lau sàn nhà, lau vết bẩn, rửa chén).

    (2) Định hướng tuyên truyền, nhân rộng hiệu quả mô hình phân loại, giảm thiểu rác tại nguồn

     Ban hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác và kỹ thuật xử lý rác hữu cơ tại nguồn để UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân tự nhân rộng mô hình tùy theo thực tế. Đây là tài liệu quan trọng nhằm định hướng về mô hình cho địa phương triển khai, cũng như hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân phương pháp tự xử lý rác hữu cơ tại chỗ (cách phân loại rác, tự tạo thiết bị ủ rác trên vật liệu sẵn có).

    Chú trọng tuyên truyền tại cấp cơ sở, hoạt động thực hành phân loại rác; phát huy vai trò của những người có uy tín ở các chi hội tại khu phố/thôn, các tổ chức tự quản trong tiên phong thực hiện và tuyên truyền, vận động

    Việc triển khai phân loại, xử lý rác tại chỗ được xem là hoạt động mới còn khá xa lạ với người dân, thậm chí đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua các khảo sát thực tế ở cơ sở cho thấy, nhờ thông tin đại chúng nên nhận thức về vấn đề này đã được cải thiện rõ rệt; về lý thuyết người dân biết rác hữu cơ có thể được ủ lấy phân tuy nhiên do chưa có điều kiện hoặc ngại thực hành nên khi phân loại rác còn lúng túng, chưa nhận diện được rác nào là hữu cơ dùng để ủ phân. Để mỗi người dân hình thành được thói quen phân loại rác, các hoạt động tuyên truyền cần chú trọng xuống tận cơ sở để hướng dẫn, giám sát và kịp thời hỗ trợ cho người dân; đồng thời muốn dân tin và thực hành tốt phân loại rác thì bản thân người đứng đầu cơ sở phải là người ntiên phong để vừa nắm rõ kỹ thuật phục vụ cho hướng dẫn người dân vừa thể hiện được tính gương mẫu.

    Tăng cường truyền tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng: Kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy, một số tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đã biết và tự nghiên cứu thực hành hiệu quả giải pháp phân loại, giảm thiểu rác thông qua kênh truyền thông. Do vậy, cần tập trung hướng dẫn cụ thể trên đài, báo, mạng xã hội về kiến thức và cách tự tạo thùng ủ rác hữu cơ, nước tẩy rửa sinh học.

ThS. Huỳnh Huy Việt

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)

Ý kiến của bạn