09/01/2024
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo của tỉnh được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên.
Phấn đấu đến năm 2030 có 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị, rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển, khu bảo tồn biển và 85% tổng lượng chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo theo quy định. 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn vùng biển, đảo được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường...
Biển Tam Thanh, Quảng Nam
Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch đề ra nhiệm vụ và giải pháp: Quy hoạch và thực hiện các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế các dự án sản xuất gia công; khuyến khích các dự án ứng dụng thiết bị và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và xuất khẩu; thay đổi định hướng bố trí các ngành phù hợp với việc phân bố dân cư, sử dụng lao động. Khuyến khích đầu tư theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển công nghiệp bền vững gắn với BVMT.
Phát triển ngành thủy sản toàn diện trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng hiệu quả, hiện đại, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 540ha; thể tích lồng nuôi 400.000m3; sản lượng nuôi biển đạt 7.050 tấn.
Về tổ chức thưc hiện, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển và các cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến, triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung của kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh...
Ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050”. Đây là sự cụ thể hóa một bước Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhằm phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển,... tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. Để biến chủ trương đó thành hiện thực, Nghị quyết số 48/NQ-CP xác định mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với một số chỉ tiêu quan trọng, như: ở các đô thị ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 06% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000. Về tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết xác định đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên. Nghị quyết chỉ ra định hướng, nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030, với nội dung chính gồm: Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển, hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; điều tra cơ bản biển và hải đảo; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Nghị quyết xác định một số giải pháp chủ yếu, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ; chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết về “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; tạo cơ chế, thể chế pháp lý thuận lợi để khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên biển trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển kinh tế biển xanh, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; đồng thời, góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. |
Vũ Hồng