23/10/2023
Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 2127/UBND-KT về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua cá thể chim để phóng sinh.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhà hàng, cơ sở kinh doanh, các chợ, khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Công văn cũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; đồng thời thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư…
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả, 17.641 m lưới, 67.807 que nhạ, 3 lùm, lán ẩn nấp, 6 máy phát tín hiệu để bẫy bắt chim và thả về môi trường 127 chim mồi sống.
Lực lượng chức năng cũng xử lý 1 đối tượng có hành vi sử dụng cò giả và que nhạ để bẫy bắt chim hoang dã, di cư; tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 3 triệu đồng.
Vũ Hồng