07/08/2024
Ngày 24/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 711/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; cụ thể hóa các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phấn đấu thực hiện thăm dò và khai thác tối đa các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dự trữ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tập trung giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các đề án/dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Theo Kế hoạch, dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.
Kế hoạch nêu rõ, các nguồn lực và giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó, về tài chính, cần rà soát, điều chỉnh kịp thời các loại thuế, phí, lệ phí hợp lý theo nguyên tắc khuyến khích phát triển ngành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Về đầu tư, cần phát huy nội lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đóng vai trò chủ lực tham gia thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiến lược, có trữ lượng lớn.
Đối với nguồn vốn, vốn đầu tư cho các dự án thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng ngoài một phần vốn của ngân sách nhà nước, chủ yếu do doanh nghiệp tự bảo đảm bằng nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại trên thị trường tài chính, vốn huy động từ các nguồn khác. Cụ thể, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc đánh giá thực hiện quy hoạch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch; công bố quy hoạch; xây dựng, đồng bộ hóa, quản lý, vận hành, khai thác và nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo phù hợp với Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng từ các nguồn tài chính hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài theo quy định pháp luật.
Về khoa học, công nghệ, theo Kế hoạch, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và khoáng sản có chất lượng thấp. Đồng thời, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Ứng dụng, phát triển nền tảng số nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu số, xây dựng bản đồ số hóa phục vụ công tác nghiên cứu, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thường xuyên cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, hướng tới phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Về phía Bộ TN&MT, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó ưu tiên việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản gắn liền với dự án đầu tư nhà máy chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật Quy hoạch sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đồng thời, Bộ TN&MT có kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng làm cơ sở cho việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch. Cùng với đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các đề án/dự án thăm dò, khai thác sớm triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, Bộ TN&MT đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản chỉ đạo việc khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực khoáng sản sẽ cấp phép nhằm giảm thiểu diện tích chiếm đất do ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ, đảm bảo vẫn nằm trong tọa độ khép góc của khu vực có khoáng sản đã quy hoạch, đồng thời xác định, loại bỏ các khu vực không chứa khoáng sản hoặc có khoáng sản trữ lượng không tập trung, phân tán, hàm lượng trữ lượng thấp (khai thác không có hiệu quả kinh tế)...
Nguyên Hằng