Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 23/05/2025

Hà Nội: Điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp

21/05/2025

    UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2423/QĐ-UBND ngày 14/5/2025 về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp tại Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND Thành phố. Trong đó, Thành phố điều chỉnh giảm 2 hồ không được san lấp tại quận Tây Hồ, huyện Ứng Hòa; điều chỉnh thông tin 53 hồ, ao tại các quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa. Đáng chú ý, Thành phố bổ sung 339 danh mục hồ, ao không được san lấp tại các quận, huyện Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Ứng Hòa, trong đó, có 3 ao, hồ thuộc quận Thanh Xuân; 3 ao, hồ thuộc quận Hoàng Mai; 19 ao, hồ thuộc quận Nam Từ Liêm; 170 ao, hồ thuộc huyện Chương Mỹ; 144 ao, hồ thuộc huyện Ứng Hoà. Việc điều chỉnh này đưa tổng cộng số hồ, ao, đầm nằm trong diện cấm san lấp ở Hà Nội lên 3.501 hồ, ao, đầm.

    Hà Nội được xây dựng trên địa hình đặc biệt bao quanh bởi sông Hồng, sông Tô Lịch và hồ Tây. Điều kiện thủy văn đã tạo nên nhiều vùng đát ngập nước nhỏ như các hồ, ao, đầm, đầm lầy, bãi bồi, nằm ven và trong đô thị Hà Nội, có vị trí rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội. Hệ thống các hồ, ao, đầm của Hà Nội này ngoài chức năng điều hòa nước mưa, giảm thiểu ngập úng, còn là các điểm nhấn danh lam thắng cảnh, vui chơi, giải trí, lễ hội. Theo tư liệu ghi chép, Hà Nội là thành phố đặc biệt nhiều đầm hồ, là dấu vết còn lại của các dòng sông cổ. Trong khu vực nội thành, hồ Tây có diện tích khoảng 500 ha, đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh đô thị, ngày nay được bao quanh bởi nhiều khách sạn, biệt thự; hồ Gươm nằm ở trung tâm lịch sử của thành phố, khu vực sầm uất, rộng 12 ha. Ngoài ra, khu vực nội thành còn có thể kể tới những hồ khác là Trúc Bạch, Thiền Quang, Thủ Lệ... và một số đầm, hồ lớn như Đồng Mô, Suối Hai, Đồng Quan, Mèo Gù, Xuân Khanh, Đồng Đò, Tuy Lai - Quan Sơn…

Hồ Đồng Quan ở Sóc Sơn, Hà Nội

    Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh nên không ít sông, hồ, ao, đầm Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường. Đặc biệt, ở các sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, ngoài vai trò tiêu thoát nước còn phải nhận thêm một phần rác thải của người dân và chất thải công nghiệp. Cùng với đó, nhiều hồ ao đã bị san lấp để lấy đất xây dựng, dẫn đến hệ quả như ô nhiễm, ngập úng và suy giảm đa dạng sinh học.

    Trước thực trạng trên, Hà Nội đã đẩy mạnh biện pháp để cải thiện môi trường. Trong đó, đối với sông Tô Lịch, Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố nghiên cứu phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 40/TB-VP ngày 5/2/2025 của Văn phòng UBND TP. Giao Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị đề xuất phương án thiết kế cải tạo sông Tô Lịch tại cuộc họp ngày 28/2/2025, nhằm làm rõ thêm phương án đầu tư, cải tạo sông Tô Lịch, phương thức đầu tư (xã hội hóa, BT hay đầu tư công).

    UBND TP. Hà Nộicũng kêu gọi sự đồng hành của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ các hồ, ao - không chỉ là tài nguyên quý giá, mà còn là biểu tượng văn hóa và môi sinh của Hà Nội. Đây là bước tiến rõ rệt trên hành trình hướng tới một đô thị xanh, bền vững và đáng sống. Vì vậy, việc bổ sung danh mục cấm san lấp là động thái cần thiết, mang tính chiến lược để giữ gìn nguồn nước, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

    Theo các chuyên gia, việc Thành phố điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp là một bước đi quan trọng nhằm bảo vệ tài nguyên nước, cải thiện môi trường sống và duy trì hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời siết chặt quản lý, công khai để người dân thực hiện, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, khó xử lý vi phạm.

Phạm Văn Ngọc

Ý kiến của bạn