21/02/2024
Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng Nai tập trung phát triển năng lượng tái tạo góp phần vào mục tiêu giảm phát thải các-bon. (Ảnh minh hoạ)
Xác định trở thành nền kinh tế năng động, là hạt nhân phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đề án giảm phát thải các-bon là bước đi quan trọng và cần thiết để Đồng Nai có cơ hội trong việc phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế số và kinh tế trung tính các-bon. Từ đó, giúp Đồng Nai thực hiện các cam kết với các mục tiêu khí hậu quốc gia và quốc tế, góp phần BVMT, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đề án gồm 4 giai đoạn với các mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2025-2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu giảm phát thải 20%; Giai đoạn 2030-2035, giảm 40%; Giai đoạn 2035-2045, trung hòa các-bon; Giai đoạn 2045-2050, phát thải khí nhà kính bằng 0. Cùng với đó, tỉnh xác định 2 hợp phần trong quá trình thực hiện Đề án bao gồm: Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải/ kiểm kê khí nhà kính và Hợp phần xác định các mục tiêu, chiến lược, hoạch định dự án, giải pháp giảm thiểu khí nhà kính.
Trong giai đoạn đầu từ nay tới năm 2030, tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển mạnh các dự án năng lượng mới không phát thải như sản xuất nhiên liệu hydroxanh, ammonia xanh… phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng. Cụ thể, tỉnh khuyến khích sử dụng điện và năng lượng xanh trong giao thông vận tải; sử dụng xăng E5 - một loại xăng sinh học giúp bảo vệ môi trường, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Thêm vào đó, tỉnh xác định giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông - lâm nghiệp và tăng tỷ lệ hấp thụ các-bon, nâng tỷ lệ xử lý chất thải và lập báo cáo lộ trình giảm phát thải bao gồm các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường và thời hạn cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và toàn tỉnh. Tỉnh cũng sẽ đưa ra báo cáo phát triển chiến lược chuyên ngành và đa ngành nhằm giảm thiểu các-bon, bao gồm các ngành kinh tế trọng điểm như điện lực, công nghiệp, thương mại… Các hoạt động được đề xuất giảm phát thải có thể liên quan đến thúc đẩy công nghệ sạch, thí điểm một số mô hình, dự án quan trọng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể chuyển đổi xanh đối với các khu công nghiệp và trung tâm logictic theo hướng giảm phát thải.
Trong cả thời gian thực hiện đề án, tỉnh Đồng Nai sẽ nghiên cứu và triển khai giảm phát thải tập trung vào 7 lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên, lần lượt là: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp - lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác; xây dựng, vật liệu và đô thị.
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và đô thị đẳng cấp, đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính “Net-zero 2050”.
Hương Mai