08/11/2023
Nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bền vững, ngày 7/11/2023, Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT ban hành Tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm trên thế giới có khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa thải ra môi trường. Trong số chất thải nhựa được thải ra, có tới 78% bị chôn lấp/vứt bỏ vào môi trường, 11% bị đốt và chỉ có 9% trong số đó được tái chế. Để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, những năm gần đây, vật liệu bao bì phân hủy sinh học được xem là lựa chọn phù hợp để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tiêu chí chung của Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường yêu cầu sản phẩm được sản xuất tại cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể gồm 3 tiêu chí:
1. Tiêu chí về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu
Nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu: nguyên liệu, vật liệu sản xuất bao bì có nguồn gốc từ vật liệu nhựa sinh học (đối với bao bì nhựa phân hủy sinh học) hoặc nhựa PE, nhựa PP tái chế được làm sạch (đối với bao bì nhựa tái chế) và các chất phụ gia không chứa các thành phần, chất trong danh mục cấm nhập khẩu, sử dụng của Việt Nam. Không sử dụng các loại mực, thuốc nhuộm, chất màu và các chất phụ gia khác theo quy định an toàn môi trường và sức khỏe về sản xuất bao bì
2. Tiêu chí về đặc tính kỹ thuật, giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong sản phẩm
Về đặc tính kỹ thuật, giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm trong sản phẩm: đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương (nếu có). Đối với bao bì nhựa phân hủy sinh học, tỷ lệ phân hủy sinh học của bao bì tối thiểu 90% trong thời gian 02 năm trong môi trường tự nhiên, compost hoặc trong bãi chôn lấp chất thải rắn. Đối với bao bì nhựa tái chế, có tối thiểu 20% nguyên liệu sản xuất bao bì từ nhựa tái chế, có độ dày từ 50 µm trở lên, kích thước tối thiểu mỗi chiều từ 50 cm trở lên...
3. Tiêu chí thu hồi, tái chế, xử lý, thải bỏ
Về thu hồi, tái chế, xử lý, thải bỏ: kế hoạch thu hồi, tái chế bao bì đã qua sử dụng; thông tin về địa chỉ cơ sở tái chế; quy trình thu hồi và tái chế, thải bỏ; công nghệ tái chế; các giải pháp thu hồi, tái chế, xử lý, thải bỏ bao bì đã qua sử dụng và giải pháp BVMT thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường
Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT của Bộ TN&MT ban hành đã nêu rõ các tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể về Nhãn sinh thái đối với bao bì nhựa thân thiện với môi trường. Theo đó:
Bao bì nhựa thân thiện với môi trường gồm các loại bao bì nhựa phân hủy sinh học; bao bì nhựa tái chế được sản xuất với nguyên liệu chính là nhựa polyethylene (nhựa PE) hoặc polypropylene (nhựa PP), có dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi) hoặc dạng màng để có thể bao bọc, che phủ, chứa đựng và bảo vệ giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt hoặc trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng...
Bao bì nhựa phân hủy sinh học là loại bao bì sản xuất từ nhựa phân hủy sinh học có khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoặc yếm khí (trong môi trường tự nhiên, compost hoặc trong bãi chôn lấp chất thải rắn) thành dioxide carbon (CO2), nước (H2O), các hợp chất vô cơ và sinh khối. Bao bì nhựa tái chế là bao bì sản xuất từ nhựa tổng hợp tái chế với tỷ lệ nhất định và có khả năng thu hồi, tái chế.
Bộ TN&MT khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bền vững; nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam trên thị trường nhằm giảm thiểu chất thải rắn, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa; giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất, xử lý bao bì nhựa sau tiêu dùng.
Nam Việt