Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Vai trò của mô hình hợp tác xã trong công tác bảo vệ môi trường - định hướng và giải pháp phát triển

25/12/2013

 

Tập huấn công tác BVMT tại HTX môi trường Thanh Ba, Phú Thọ

 

     Hoạt động BVMT muốn triển khai tốt cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của cộng đồng. Tại Việt Nam, Chính phủ hiện đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh toàn dân trong BVMT. Xem xét ở hai góc độ trên, mô hình hợp tác xã (HTX) thể hiện vai trò quan trọng trong công tác BVMT với những đặc điểm sau: Là tổ chức cộng đồng làm kinh tế có tính tự chủ cao nhất; huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể trong BVMT; gắn kết được số đông người dân từ những thôn, xóm, bản làng, khu vực nông thôn, miền núi. Hiện nay, trên cả nước có 19.685 HTX. Do vậy, các hoạt động BVMT nếu gắn kết với các HTX sẽ có hiệu quả thiết thực và cụ thể hơn.

     Là một thành phần kinh tế quan trọng đóng góp vai trò trong sự phát triển chung của đất nước, thời gian qua, các HTX tích cực thực hiện công tác BVMT. Hiện có khoảng 28,5 % HTX đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; 45,8% HTX đăng ký tiêu chuẩn cho phép về vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc thực hiện đóng góp phí BVMT cũng được nhiều HTX tuân thủ.

     Để giải quyết vấn đề môi trường trong việc huy động sức mạnh của cộng đồng, Liên minh HTX Việt Nam (LMHTXVN) đã ký kết 2 Chương trình phối hợp với Bộ TN&MT giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015 về việc “Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT’’. Nhằm triển khai Chương trình phối hợp được hiệu quả, những năm qua, LMHTX các cấp đã chú trọng đến việc hình thành các mô hình HTX chuyên sâu trong BVMT như: HTX môi trường, HTX thu gom và xử lý rác thải, HTX nước sạch nông thôn, HTX trong các làng nghề tham gia xử lý môi trường và đã có những mô hình thành công như: HTX môi trường Thành Công (Hà Nội), HTX nước sạch Bình Tây (Tiền Giang), HTX môi trường Hiệp Hòa (Bắc Giang), HTX môi trường Chí Linh (Hải Dương)...

     Ngoài ra, thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX, phong trào quần chúng tham gia BVMT được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa BVMT được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều điển hình tiên tiến trong công tác BVMT, các mô hình HTX tự quản về môi trường ở cộng đồng. Theo số liệu thống kê tính đến tháng 9/2013, cả nước có 306 HTX dịch vụ BVMT, trong đó có 174 HTX chuyên về môi trường (cung cấp nước sạch, thu gom và xử lý rác thải, mai táng); 132 HTX tham gia hoạt động BVMT. Các mô hình HTX thí điểm trong hoạt động xử lý môi trường bao gồm các lĩnh vực: phân loại rác tại nguồn, chế biến rác thải hữu cơ làm phân vi sinh, tái chế rác thải nilông làm hạt nhựa, xử lý nước thải, khí thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng chất thải xây dựng sản xuất gạch không nung, quản lý nghĩa trang nhân dân gắn với BVMT, xử lý chất thải hữu cơ nhằm tận thu năng lượng khí sinh học, tái sử dụng chất thải trong sản xuất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế hộ và BVMT... góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

     Bên cạnh đó, LMHTXVN còn là thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình nông thôn mới (CTNTM). Vì thế, trong 4 năm qua, LMHTXVN đã thành lập nhiều HTX theo CTNTM, trong đó có 2 loại hình chuyên về HTX môi trường và tham gia BVMT. Ví dụ, tại Hà Tĩnh có 105 HTX chuyên về môi trường, 2 HTX tham gia BVMT; Vĩnh Phúc: 61 HTX môi trường, 10 HTX tham gia BVMT; Đồng Nai: 16 HTX môi trường; TP. Hồ Chí Minh: 14 HTX môi trường; Bắc Giang: 11 HTX môi trường; Cao Bằng: 10 HTX môi trường; Phú Thọ: 8 HTX môi trường, 6 HTX tham gia BVMT; Đắc Lắc: 10 HTX môi trường; Bạc Liêu: 4 HTX môi trường, 22 HTX tham gia BVMT, Đắc Nông: 4 HTX môi trường, 2 HTX tham gia BVMT...

     Ngoài công tác BVMT, các HTX dịch vụ môi trường còn tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Hiện nay, các mô hình thí điểm đang được nhân rộng trên nhiều địa bàn các tỉnh thành cả nước. Các mô hình được triển khai gắn với phát triển theo loại hình HTX, giúp HTX tiếp cận những chuyển giao công nghệ nhằm hướng tới 3 mục tiêu: phát triển kinh tế cho các HTX (gắn với cộng đồng là các xã viên), phát triển đời sống xã hội và đặc biệt đẩy mạnh công tác BVMT gắn với đời sống và sản xuất.

     Thời gian qua, các HTX môi trường và HTX tham gia BVMT đã được hình thành và phát triển theo mục tiêu chung vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng và huy động sức mạnh tập thể theo mô hình HTX. Mô hình HTX trong BVMT đã được triển khai, gắn với yêu cầu cấp thiết của khu vực kinh tế hợp tác, HTX; phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (nước, đất, không khí, tiếng ồn...) Thông qua mô hình HTX triển khai và tham gia hoạt động BVMT, năng lực của đội ngũ cán bộ LMHTX các cấp, đặc biệt là trình độ nhận thức và khả năng ứng dụng kỹ thuật môi trường của HTX ngày càng được nâng cao. Do vậy, các hoạt động này bước đầu tranh thủ được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và huy động được sự đóng góp của các HTX, tổ chức thành viên.

     Mặc dù, đã đạt được những kết quả nêu trên, nhưng nhìn chung, hoạt động của mô hình HTX môi trường và HTX tham gia hoạt động BVMT còn hạn chế. Kết quả thực hiện các mô hình chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác BVMT. Các hoạt động tư vấn, dịch vụ BVMT tuy có thực hiện, nhưng số lượng chưa nhiều, hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực cung cấp dịch vụ. Nhìn chung, các đơn vị triển khai mới chỉ làm được những gì mình đang có, hạn chế phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động (hướng tới các dịch vụ xử lý nước cấp, xử lý rác thải, khí thải...). Nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT.

     Nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại trên, trước hết là do trình độ tổ chức quản lý hoạt động BVMT chưa theo kịp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của các HTX trong bối cảnh hội nhập; chưa phối hợp tốt và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và HTX; thiếu vốn; năng lực của cán bộ làm công tác BVMT chưa được chú trọng nâng cao; chậm đổi mới cả về tư duy và phương thức hoạt động. Nhận thức của LMHTX các cấp về công tác BVMT còn hạn chế. Đặc biệt, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX trong công tác BVMT còn thiếu. Trong khi phần lớn các HTX ở nước ta còn nghèo, công nghệ còn lạc hậu thiếu nguồn lực nên hầu hết các HTX ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng ít có điều kiện để đầu tư đúng mức vào BVMT.

 

HTX dịch vụ môi trường tạo công ăn, việc làm, đảm bảo đời sống

cho nhiều lao động

 

     Định hướng đến năm 2020 của LMHTX là đẩy mạnh vai trò và sức mạnh cộng đồng của các loại hình HTX trong công tác BVMT; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy tính chuyên sâu, chuyên nghiệp cho các mô hình HTX BVMT gắn với định hướng chiến lược BVMT quốc gia. Để phát huy vai trò của mô hình HTX trong công tác BVMT, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương để thực hiện 4 giải pháp sau:

     Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của các mô hình HTX trong BVMT. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT cho toàn thể cán bộ, xã viên trong khu vực HTX. Qua đó, đề cao trách nhiệm của xã viên HTX đối với công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, xây dựng HTX thành các tổ chức kinh tế có sự gắn kết hài hòa giữa hiệu quả kinh tế - xã hội và BVMT. Xây dựng cơ chế khen thưởng đối với hoạt động BVMT và kỷ luật đối với những vi phạm về BVMT cho người lao động và xã viên trong các HTX. Đặc biệt, đẩy mạnh các dịch vụ thông tin, tư vấn, hướng dẫn về BVMT trong các mô hình HTX môi trường.

     Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý và xử lý môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục suy thoái và sự cố ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin cho các mô hình HTX môi trường. Xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, đơn vị triển khai (Trung tâm, Viện, Trường học) trong hệ thống LMHTX về BVMT. Hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, triển khai, hỗ trợ các mô hình HTX môi trường. Tăng cường sự liên doanh, liên kết để phát triển mô hình HTX môi trường. Nâng cao hiệu quả các hoạt động BVMT theo hướng gắn với HTX, tập trung giải quyết những vấn đề mà HTX thực sự có nhu cầu và tăng cường xây dựng mô hình HTX vệ sinh môi trường theo đúng chuẩn mực, hoạt động hiệu quả để nhân rộng cho các địa phương.

     Thứ ba, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ về tài chính thông qua nguồn vốn vay ưu đãi để các HTX đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ ít gây ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất kinh doanh, thay thế công nghệ lạc hậu. Đào tạo, hướng dẫn người lao động, xã viên trong các HTX vận hành thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ ngân sách hoạt động BVMT, bao gồm các nguồn vốn từ các chương trình dự án do các Bộ, ngành, địa phương quản lý, nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và sự đóng góp của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển các mô hình HTX môi trường.

     Thứ tư, hoàn thiện chính sách hỗ trợ. Cụ thể hóa các văn bản pháp luật quy định quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức liên minh các cấp nhằm tăng cường việc kiểm tra, giám sát các HTX thực hiện các cam kết giảm ô nhiễm và BVMT. Mặt khác, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức trên trong việc hỗ trợ các HTX thực hiện cam kết. Xây dựng cơ chế kiểm soát và hỗ trợ các HTX xác định các thông số cảnh báo ô nhiễm môi trường liên quan đến các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Xây dựng và thực hiện cơ chế đánh giá tác động của các chất thải do các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX thải ra đối với môi trường. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp kịp thời để giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường của các HTX.

 

TS. Phạm Tố Oanh

Phó Ban Kế hoạch Hỗ trợ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Ý kiến của bạn