07/05/2014
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính Phủ về một số vấn đề cấp bách trong BVMT, Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 6291/KH-UBND ngày 31/10/2013 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp BVMT trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác BVMT, đến năm 2020 cơ bản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Kế hoạch đã xác định và đặt ra những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT: Cải thiện môi trường khu vực nông thôn, làng nghề; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực đô thị và công nghiệp, môi trường lưu vực sông; Bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Để thực hiện hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ trên, Kế hoạch đưa ra các giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao ý thức và trách nhiệm BVMT; Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể về đầu tư cho các hoạt động BVMT đối với khu vực nông thôn, làng nghề; cơ chế hỗ trợ vốn cho cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động BVMT, đặc biệt là các hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; Nâng cao năng lực quản lý môi trường; Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ vào xử lý môi trường, đặc biệt ưu tiên công nghệ mới, có vốn đầu tư và kinh phí vận hành thấp, dễ vận hành sử dụng; Tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động BVMT.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình, dự án nhằm thực hiện từng bước các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra. Trong đó, cải thiện môi trường khu vực nông thôn, làng nghề mà tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ hình thành 20 cụm công nghiệp trên địa bàn với diện tích 367,6 ha nhằm đưa hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư, tạo điều kiện phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, BVMT. Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ BVMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; Mở rộng quy mô triển khai các dự án hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas đối với hộ gia đình và hệ thống xử lý đối khu chăn nuôi tập trung (giai đoạn 2006 - 2012 đã hỗ trợ được 15 nghìn hầm; giai đoạn 2013 - 2015 tiếp tục hỗ trợ 3.474 hầm biogas).
Mặt khác, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh cho các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non và trạm y tế xã; Điều tra bổ sung và tổ chức triển khai các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Thành phố Xanh là một trong những mục tiêu mà Vĩnh Phúc đang hướng tới
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực đô thị và công nghiệp, lưu vực sông, tỉnh đang triển khai dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại TP. Vĩnh Yên, dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo quy hoạch được duyệt. Tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đặc biệt là đối với các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ (trong năm 2009 - 2010 đã hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Năm 2013, tỉnh đã đầu tư 2 trạm quan trắc môi trường tự động (không khí và nước thải), giai đoạn 2014 - 2015, tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng môi trường tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là đối với các khu, cụm công nghiệp và đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai các dự án thành phần thuộc Đề án tổng thể cải tạo cảnh quan sinh thái và BVMT lưu vực sông Phan; phối hợp với Ủy ban BVMT lưu vực sông Cầu thực hiện các nhiệm vụ, dự án BVMT lưu vực sông Cầu theo Kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, Vĩnh Phúc đã điều tra, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể BVMT Vĩnh Phúc đến năm 2020, trong đó hướng tới mục tiêu “Thành phố Xanh”; Ban hành Đề án BVMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 và các quy định thực hiện cơ chế hỗ trợ BVMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; Kế hoạch triển khai đề án BVMT lưu vực sông Cầu giai đoạn 2011 - 2015; Xử lý triệt để 6/6 (100%) cơ sở thuộc Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg...
Phạm Mạnh Cường
Chi cục BVMT Vĩnh Phúc
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014