04/06/2014
Năm 2008, Việt Nam ban hành Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH), văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh toàn diện hoạt động bảo tồn ĐDSH nói chung và quản lý, bảo vệ loài nói riêng. Việc ra đời Luật này tạo cơ hội để Việt Nam hệ thống hóa công tác quản lý, bảo vệ loài, trong đó gắn bảo tồn ĐDSH với phát triển, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên quan trọng này phục vụ phát triển đất nước.
According to the Decree, the responsibility for management of protection priority species belongs to two Ministries: Natural Resources and Environment, Agriculture and Rural Development. MONRE is responsible for managing conservation activities of wildlife flora and fauna species. MARD is responsible for managing activities on cultivation, development, technical procedures on rescue and release; conservation of plant and animal crops, microorganisms and algae. At localities, provincial-level People’s Committees are responsible for management in licensing the exchange, purchase, selling, lending, renting, transportation of specimens of species in the List of protection priority species.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Theo Luật chuyên ngành trước đây, các quy định đều có sự phân biệt về hệ sinh thái phân bố của loài như động vật rừng, thực vật rừng, loài thủy sinh; vấn đề lập danh mục giống cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật, nấm quý, hiếm cần được bảo vệ cũng chưa được đề cập nhiều. Cụ thể Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 giao Bộ NN&PTNT có trách nhiệm đề xuất Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệ trình Chính phủ ban hành và Luật Thủy sản năm 2003 giao Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) định kỳ công bố Danh mục các loài thủy sản đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và các loài thủy sản khác bị cấm khai thác; Danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn và thời gian cấm khai thác. Việc có nhiều văn bản quy định lập Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm như vậy đã dẫn tới sự trùng lặp gây khó khăn, vướng mắc trong quản lý và thực thi pháp luật.
Đến năm 2008, Luật ĐDSH được Quốc hội Việt Nam ban hành đã giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH, là cơ quan đầu mối tổng hợp thông tin, lập Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trình Chính phủ quyết định. Danh mục này không phân biệt về hệ sinh thái của loài như loài trên cạn hoặc dưới nước và bao gồm các giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm nguy cấp, quý, hiếm.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2009 đã quy định tội danh Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ tại Điều 190. Chính vì vậy, việc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý thống nhất các loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng và phù hợp với quy định về hình sự hóa xử lý tội phạm về vấn đề này.
Trách nhiệm phát triển bền vững các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Theo Luật ĐDSH năm 2008 đã có sự phân công tương đối rõ trách nhiệm của từng Bộ như quy định Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT bảo vệ loài hoang dã bị cấm khai thác trong tự nhiên và việc khai thác loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên; định kỳ công bố Danh mục loài hoang dã bị cấm khai thác trong tự nhiên và Danh mục loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên. Việc phân công này thể hiện xu hướng quản lý của nhà nước đó là Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trong việc bảo tồn các loài sinh vật và Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm trong việc phát triển bền vững các loài sinh vật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và hỗ trợ mục tiêu bảo tồn ĐDSH.
Nội dung chủ yếu của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP
Để thực hiện các nội dung của Luật ĐDSH, phù hợp với Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009 cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài nguy cấp, quý, hiếm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nội dung Nghị định số 160/2013/NĐ-CP bao gồm 4 Chương, 19 Điều.
Chương 1: Những quy định chung gồm 3 Điều (từ Điều 1 đến Điều 3) quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ được sử dụng trong Nghị định. Nghị định này chỉ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, còn hoạt động nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo và việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, vận chuyển các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và sản phẩm của chúng phục vụ mục đích thương mại là không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Chương 2: Tiêu chí xác định loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm có 5 Điều (từ Điều 4 đến Điều 8). Nội dung Chương 2 quy định tiêu chí xác định loài được ưu tiên bảo vệ, Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ cũng như trình tự thủ tục đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Tại khoản 2 Điều 8 quy định “Bộ TN&MT tổ chức thẩm định đối với loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã” và “Bộ NN&PTNT tổ chức thẩm định đối với giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm”. Quy định này thể hiện rõ hơn định hướng phân công trách nhiệm của Chính phủ về bảo tồn các loài sinh vật.
Voọc mũi hếch là một trong những loài nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Cũng tại Chương này, Nghị định cũng đã cụ thể hóa các tiêu chí xác định loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại khoản 2, Điều 37 của Luật ĐDSH để xét đưa vào Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Đây cũng là bộ tiêu chí đầu tiên được quy định trong một văn bản pháp luật và do Chính phủ ban hành. Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định này gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng và 6 giống vật nuôi.
Chương 3: Chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm 8 Điều (Điều 9 đến Điều 16), quy định các nội dung điều tra, quy tắc, đánh giá hiện trạng về lập hồ sơ loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; khai thác loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; Trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; Nuôi trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; Cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn ĐDSH và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng; Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
Chương này quy định, ở cấp Trung ương trách nhiệm quản lý loài được ưu tiên bảo vệ chủ yếu và được phân cho hai Bộ: TN&MT, NN&PTNT. Theo sự phân công của Chính phủ thì các quy định liên quan đến quản lý các hoạt động bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã được giao cho Bộ TN&MT. Các hoạt động về nuôi trồng, phát triển, quy trình kỹ thuật về cứu hộ, tái thả; bảo tồn giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm thì giao cho Bộ NN&PTNT. Tại cấp địa phương, Nghị định cũng phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh trong việc cấp phép hoạt động trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ. Trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ cũng được quy định cụ thể tại Nghị định này.
Đối với quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài được ưu tiên bảo vệ thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) “ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành về xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng đối với loài thuộc Phụ lục I của Công ước CITES, cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước CITES lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ TN&MT trước khi cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ” (Khoản 2, Điều 15). Việc bổ sung quy định “lấy ý kiến của Bộ TN&MT” là phù hợp với nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao Bộ TN&MT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ĐDSH (Khoản 2, Điều 6, Luật ĐDSH).
Chương 4: Tổ chức thực hiện gồm có 3 Điều (từ Điều 17 đến Điều 19). Nội dung chủ yếu của Chương này là các quy định về nguồn tài chính cho bảo tồn và phát triển loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ, cũng như việc phân công trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh và các đơn vị liên quan trong quản lý các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả các nội dung của Nghị định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nghị định số 160/2013/NĐ-CP thay thế một số nội dung được quy định tại Điều 12, 13, 14, 15 và 16 của Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH. Ngoài ra, chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này.
Những nhiệm vụ cần được ưu tiên
Trong thời gian tới, để tăng cường thực thi hiệu quả các quy định của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP cần sớm triển khai các nhiệm vụ:
- Ban hành các văn bản như Thông tư Hướng dẫn mẫu đơn đăng ký dự án thành lập, mẫu giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn ĐDSH; Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Điều 190 của Bộ luật Hình sự về tội phạm vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Hướng dẫn quy định mức phí, việc quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ; hướng dẫn mức chi cho các hoạt động cứu hộ, giám định mẫu vật và tiêu hủy mẫu vật chết trong quá trình cứu hộ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về loài được ưu tiên bảo vệ, các chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
- Ngoài ra, các tài liệu hỗ trợ công tác thực thi pháp luật về bảo tồn các loài được ưu tiên bảo vệ như: Sổ tay nhận dạng và Sổ tay thực thi các văn bản pháp luật về các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Việc ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viênn
Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng
Trần Trọng Anh Tuấn, Mai Hồng Quân
Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014