01/03/2015
Song với sự nỗ lực, phát huy truyền thống của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Tổng cục Môi trường đã chủ động khắc phục khó khăn và hoàn thành tốt chương trình công tác đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT tiếp tục được đẩy mạnh. Tiến độ xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án cơ bản được đảm bảo. Hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) có nhiều chuyển biến. Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực BVMT đó là:
Thứ nhất, năm 2014 ghi dấu ấn về những thành công của Tổng cục Môi trường trong công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT. Luật BVMT được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Luật BVMT năm 2014, gồm 20 chương, 170 điều, so với Luật BVMT năm 2005, Luật lần này quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ TN&MT, các Bộ/ngành có liên quan và UBND các cấp, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm đầu mối xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về BVMT; luật hóa những chủ trương, chính sách mới về BVMT; mở rộng và cụ thể hóa một số nội dung về BVMT; giải quyết các trùng lặp, mâu thuẫn với các Luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tiếp tục được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt mục tiêu chung của toàn ngành đặt ra trong năm 2014 là “Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành tài nguyên và môi trường”. Theo đó, Tổng cục Môi trường đã tổ chức 14 đoàn thanh tra công tác BVMT tại 814 cơ sở; 6 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg tại 52 cơ sở; 4 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tình hình quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ có mục tiêu xử lý ô nhiễm triệt để theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg đối với 46 dự án và một số đoàn thanh tra đột xuất; tiến hành xử phạt đối với 302 đối tượng được thanh tra và 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với tổng số tiền xử phạt là hơn 62 tỷ đồng; thời tạm đình chỉ hoạt động đối với 37 cơ sở/bộ phận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã xử lý dứt điểm nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, nổi cộm, buộc các đối tượng vi phạm phải nhận trách nhiệm, nộp tiền xử phạt, đền bù thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống cho nhân dân; đồng thời phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về BVMT làm cơ sở kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Việc kiên quyết áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để của các cơ sở.
Thứ ba, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) không ngừng tăng lên, tính đến hết năm 2014 đạt 87,47% (384/439 cơ sở), vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (84%). Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ngày càng tăng, đến nay, cả nước có 148/194 khu công nghiệp (đạt 76,3 %, tăng 7 KCN so với năm 2013) đã có hệ thống xử lý nước thải theo quy định; 19 khu công nghiệp (10%) đang đầu tư xây dựng hệ thống xử lý; chỉ còn 13,7% số khu công nghiệp còn lại hoạt động trước khi có Luật BVMT năm 2005 chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Thứ tư, việc triển khai thực hiện các đề án BVMT lưu vực sông năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường nước tại các sông, kênh, rạch tại một số đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã được cải thiện. Hệ thống cơ chế, chính sách về BVMT lưu vực sông đã được bổ sung và dần hoàn thiện từ Trung ương xuống địa phương; các văn bản pháp quy về công tác BVMT nước lưu vực sông cũng được các tỉnh/thành phố quan tâm xây dựng. Bộ TN&MT đã thành lập Chi cục BVMT tại các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai, trực thuộc Tổng cục Môi trường; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020.
Thứ năm, công tác bảo tồn ĐDSH đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc đẩy mạnh kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm lấn; xây dựng và phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của cả nước và của các địa phương; hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết về việc gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya Kualar Lumpur và Nghị định thư Nagoya; tổ chức thành công Lễ trao bằng công nhận Khu Ramsar Côn Đảo; xây dựng, trình Ban thư ký xem xét 2 hồ sơ đề cử công nhận khu Ramsar cho Vườn quốc gia U Minh Thượng và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Năm 2015, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT
Thứ sáu, chất lượng công tác thẩm định báo cáo Đánh giá chất lượng môi trường (ĐMC) và Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được nâng cao. Năm 2014, tổ chức thẩm định 14 báo cáo ĐMC; phê duyệt 187 báo cáo ĐTM; phê duyệt 37 đề án BVMT chi tiết; kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của 70 dự án, cấp giấy xác nhận hoàn thành cho 57 dự án trên phạm vi toàn quốc. Thông qua, công tác ĐMC, ĐTM, hầu hết các quy hoạch đều phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, các dự án đầu tư phải tăng cường các biện pháp BVMT và trong đó có một số dự án phải tạm dừng do không đáp ứng được các yêu cầu về BVMT.
Nhìn lại chặng đường một năm qua, công tác quản lý nhà nước về BVMT ở nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thành công đó có sự đóng góp rất lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Tổng cục Môi trường. Bước sang năm 2015, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công đối với việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015, năm đầu tiên Luật BVMT 2014 và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành; năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm vượt mọi khó khăn để đạt được những mục tiêu về BVMT, trọng tâm tập trung triển khai thực hiện Luật BVMT 2014; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Một số nhiệm vụ chủ yếu mà Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện:
Một là, triển khai thực hiện Luật BVMT; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành; ban hành các thông tư hướng dẫn; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về quy chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu; rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật BVMT, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Hai là, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; nâng cao năng lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Kiên quyết không để nảy sinh các điểm phức tạp về ô nhiễm môi trường. Tăng cường xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đặc biệt là đối với các cơ sở đã đến hạn xử lý; rà soát và bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; kiểm tra, đảm bảo hiệu quả sử dụng kinh phí đối với các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.
Ba là, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn kiện toàn tổ chức cơ quan quản lý môi trường tại các địa phương; tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực BVMT, đặc biệt là các thủ tục cấp phép về môi trường.
Bốn là, triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án BVMT trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vai trò của các Chi cục BVMT lưu vực sông; thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Năm là, tiếp tục nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMC, ĐTM, hồ sơ dự án ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; trước tiên tập trung thực hiện tốt quy định “1 cửa” trong hoạt động tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực của các Bộ/ngành, địa phương trong việc lập và thẩm định báo cáo ĐMC, ĐTM; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT theo yêu cầu của báo cáo ĐTM.
Sáu là, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể về bảo tồn ĐDSH của cả nước; hoàn thiện thể chế quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên mới, bảo vệ các hành lang ĐDSH. Xây dựng cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen; cơ chế và ban hành đơn giá chi trả dịch vụ môi trường.
Bảy là, tổ chức thành công các sự kiện lớn về môi trường năm 2015: Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 và các sự kiện bên lề; Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN chính thức lần thứ 13 và Hội nghị Bộ trưởng môi trường Đông Á lần thứ 5.
Với việc thực hiện đồng bộ và thành công các giải pháp nêu trên, chắc chắn công tác BVMT nước ta sẽ có những chuyển biến rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcn.
GS.TS. Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015