02/09/2013
Là trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước, TP. Hồ Chí Minh chiếm gần 30% tỷ trọng công nghiệp cả nước và 46% khu vực phía Nam. Với tốc độ phát triển kinh tế cao, TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn TP có 13 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và 1 khu công nghệ cao (KCNC) đang hoạt động với tổng diện tích 3.391,306 ha; 2 KCN đang giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng (Phong Phú và Đông Nam) với tổng diện tích 435,16 ha; 7 KCN dự kiến thành lập mới (Phú Hữu, Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng, Vĩnh Lộc 3, Lê Minh Xuân 2 và Lê Minh Xuân 3) với tổng diện tích 1.455 ha và 4 KCN dự kiến mở rộng (Lê Minh Xuân mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc giai đoạn 2, Tây Bắc Củ Chi giai đoạn 2) với tổng diện tích 849 ha. Như vậy, tính đến năm 2020, TP sẽ có tổng cộng 23 KCN, KCX và KCNC với tổng diện tích là 6.130,706 ha.
Sự phát triển các KCX, KCN đang đóng góp tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp nói chung và KCN, KCX nói riêng cũng gây tác động xấu đến môi trường.
Công tác quản lý nhà nước về BVMT
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được quan tâm chỉ đạo sâu sát. Sở TN&MT đã tham mưu với UBND TP ban hành nhiều quyết định, kế hoạch quan trọng như Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định thu phí BVMT đối với chất thải rắn; Quyết định thu thuế tài nguyên nước… Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ ngành TN&MT các quận, huyện về các nội dung liên quan như hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; tập huấn nghiệp vụ về TN&MT, biến đổi khí hậu, hoạt động thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, còn tập huấn về những kiến thức cơ bản liên quan đến TN&MT thông qua các hoạt động của các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…
Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận bản cam kết BVMT cũng được quan tâm thực hiện. Việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận cam kết BVMT cho các dự án đầu tư trong KCN, KCX trên địa bàn TP do Ban quản lý các KCX và CN TP. Hồ Chí Minh (Hepza) thực hiện. Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM cho các dự án đầu tư ngoài KCN, KCX do Sở TN&MT thực hiện. Từ năm 2007 đến nay, Sở TN&MT và Hepza đã tổ chức thẩm định và phê duyệt 440 dự án, đã kiểm tra xác nhận 85/440 (Dự án đang hoạt động) hoàn thành các nội dung báo cáo ĐTM trước khi đi vào hoạt động chính thức, đạt tỷ lệ 19,3%.
Hàng năm, Sở TN&MT và Hepza đều tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đơn thư khiếu nại của người dân. Trong năm 2010, Thanh tra Hepza đã xử phạt vi phạm hành chính 50 trường hợp với tổng số tiền thu được là 397.250.000 đồng. Trong năm 2011, Thanh tra Hepza thành lập 6 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định BVMT tại 117 doanh nghiệp (DN), xử phạt 22 DN với tổng số tiền phạt là 128.250.000 đồng, ngoài ra, UBND TP xử phạt 8 DN với số tiền là 398 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Thanh tra Hepza tổ chức kiểm tra thanh tra 107 DN, có 9 trường hợp DN bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, trong đó UBND TP phạt 8 trường hợp với số tiền 913 triệu đồng và C49 phạt 1 trường hợp với số tiền 550 triệu đồng.
Trong năm 2011, Sở TN&MT đã thành lập 16 đoàn thanh kiểm tra tổng số 258 đơn vị. Xử phạt hành chính đối với 112 đơn vị, tổng số tiền phạt là 4.152.000.000 đồng. Buộc ngưng hoạt động 10 DN, trong đó UBND TP ban hành 2 Quyết định áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động, Thanh tra Sở buộc tạm đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm bằng biện pháp niêm phong máy móc 8 DN. Đầu năm 2012 đến nay, Sở TN&MT đã thanh kiểm tra 97 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính đối với 51 đơn vị, trong đó UBND TP ban hành Quyết định áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động đối với 10 đơn vị.
Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn TP có tổng cộng 37 doanh nghiệp cần phải thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để. Đến nay, nhờ các biện pháp giám sát, xử lý đã có 17 cơ sở đã được ra khỏi Danh sách, 8 cơ sở đã di dời, ngưng hoạt động, 10 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để, 2 cơ sở đã khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triệt để.
Tình hình chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ cở, các KCN, KCX
Ngày 12/3/2013, Bộ TN&MT đã có kết luận thanh tra về công tác BVMT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả thanh tra công tác BVMT đối với 49/50 cơ sở và KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (1 cơ sở đã giải thể), Đoàn Thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 25/49 cơ sở và bàn giao cho Sở TN&MT lập thủ tục chuyển Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và Chánh Thanh tra Sở TN&MT xử phạt với tổng số tiền phạt là 2.008.500.000 đồng; một số DN tại thời điểm thanh tra có vi phạm xong đã khắc phục ngay vi phạm chỉ nhắc nhở để thực hiện; một số DN khác Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đã xử phạt với số tiền là 339.000.000 đồng.
Các vi phạm và tồn tại về BVMT tập trung ở một số nhóm chính: Có 8/49 Dự án đầu tư được thanh tra chưa lập Báo cáo ĐTM hoặc Đề án BVMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; 9/49 cơ sở, KCN được thanh tra vi phạm các nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; 27/49 cơ sở, KCN được thanh tra vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại; 12/49 cơ sở được thanh tra vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; 6/49 cơ sở vi phạm thực hiện không đúng Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Phát hiện việc chôn lấp rá thải trái phép trong khuôn viên nhà máy
xử lý rác Vietstar tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn TP còn bộc lộ một số tồn tại, cần được quan tâm giải quyết. Cụ thể, công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM và xác nhận bản cam kết BVMT đối với các dự án đầu tư trên địa bàn mặc dù thực hiện theo đúng hướng dẫn nhưng chưa hiệu quả, chất lượng báo cáo ĐTM và bản cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận chưa cao, các giải pháp BVMT còn chung chung, chưa cụ thể, chưa phát huy hiệu quả là công cụ hữu hiệu trong phòng ngừa ô nhiễm môi trường; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo chưa thường xuyên, dẫn đến một số DN không chịu đầu tư cho công tác BVMT.
Công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành các nội dung của báo cáo ĐTM được phê duyệt chưa thực hiện hiệu quả (có rất ít dự án được xác nhận). Nguyên nhân có thể do buông lỏng công tác hậu kiểm và do cơ chế chính sách chưa phù hợp (thời điểm dự án đi vào hoạt động chính thức khó xác định rõ trong thực tế, không đồng điểm giữa pháp luật về BVMT với các pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, thuế và pháp luật chuyên ngành khác; báo cáo ĐTM được phê duyệt còn chung chung chưa cụ thể, cùng với việc thiếu ý thức của chủ dự án và buông lỏng hậu kiểm của cơ quan phê duyệt ĐTM, dẫn đến DN "trốn” làm các thủ tục này...).
Ngoài ra, việc thẩm định cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại và kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình BVMT theo nội dung báo cáo ĐTM được phê duyệt cho các DN trong một số trường hợp còn kéo dài so với thời gian quy định; Việc xử lý bùn thải không nguy hại phát sinh từ trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN, KCX hiện còn gặp nhiều khó khăn do TP chưa bố trí được bãi chôn lấp; Việc xử lý nước rỉ rác trên địa bàn TP, cụ thể xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) chưa đảm bảo, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong mùa mưa; Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại một số KCN triển khai tương đối chậm, đặc biệt tại KCN Tân Phú Trung. Bên cạnh đó, công tác đấu nối nước thải phát sinh từ các DN hoạt động trong KCN này vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung còn chưa triệt để, chưa đúng quy định về BVMT...
Một số biện pháp nhằm tăng cường công tác BVMT
Để tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP, Bộ TN&MT đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan và UBND cấp huyện, các cơ sở, KCN và KCX hoạt động trên địa bàn tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp; phí BVMT đối với khai thác khoáng sản theo quy định của Nghị định số 74/2011/NĐ-CP; phí BVMT đối với chất thải rắn theo quy định tại Nghị định số 174/2007/NĐ-CP nhằm tạo nguồn thu phục vụ công tác BVMT trên địa bàn TP; Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về BVMT trên địa bàn, đặc biệt là phổ biến Nghị định số 117/2009/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành để các đối tượng được quản lý biết và thực hiện; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện báo cáo ĐTM, cam kết BVMT cũng như các quy định khác của pháp luật về BVMT đối với các DN trên địa bàn TP, trong đó có các KCN, KCX, CCN; Tăng cường công tác quản lý và BVMT tại các KCN, KCX, CCN, trong đó đảm bảo việc đấu nối 100% nước thải của các cơ sở hoạt động trong KCN, KCX, CCN để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) trước khi thải ra môi trường; Chỉ cho phép chủ đầu tư KCN, KCX, CCN được tiến hành mở rộng sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình BVMT theo quy định tại khoản 2, Điều 5 của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP quy định về KCN, KCX và KKT; Chỉ cho phép xây dựng hoặc cho phép khởi công công trình xây dựng nhà máy đối với các dự án trong KCN khi đã có báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết BVMT được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận cam kết BVMT; thực hiện phân khu chức năng KCN đúng theo quy hoạch, đảm bảo giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường xung quanh; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được thanh tra trên địa bàn có vi phạm pháp luật về BVMT theo quy định của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt là các biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, buộc di dời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài đúng với quy định của pháp luật; tiếp tục chỉ đạo xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo tiêu chí phân loại của Bộ TN&MT.
Đối với các cơ sở, KCN và KCX được thanh tra cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu tại Kết luận thanh tra và các quy định của pháp luật về BVMT. Đặc biệt nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp BVMT theo quy định và nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải ổn định, đảm bảo hệ thống hoạt động đúng công suất, hiệu suất và nước thải sau xử lý đạt QCVN (hệ thống xử lý nước thải phải có đồng hồ công tơ đo điện riêng biệt, có nhật ký vận hành và được ghi, đo hàng ngày theo quy định hiện hành); thực hiện xử lý khí thải, quản lý và xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại đúng quy định; kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, chất thải rắn và phí BVMT trong khai thác khoáng sản theo quy định; Lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục, tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý như: pH, COD, cặn lơ lửng, amonia, độ màu... bảo đảm nước thải sau xử lý đạt QCVN. Trước khi lắp đặt hệ thống quan trắc này phải báo cáo và gửi hồ sơ, hướng dẫn kỹ thuật của hệ thống về Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh để xem xét, kiểm tra, giám sát quá trình lắp đặt, kết quả quan trắc của hệ thống phải phù hợp với kết quả phân tích mẫu nước thải thực tế theo tiêu chuẩn hiện hành. Cửa xả nước thải sau xử lý phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Điều 82 của Luật BVMT.
Phan Thị Tố Uyên
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Tạp chí MT, số 6/2013