Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030

02/09/2013

Ngày 3/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước (HTTN) và xử lý nước thải (XLNT) khu vực dân cư, khu công nghiệp (KCN) thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.

            Phạm vi Quy hoạch gồm các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định và TP. Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665 km2. Mục tiêu chính là cụ thể hóa Đề án tổng thể BVMT sông Nhuệ - sông Đáy; Xác định phương án thoát nước, XLNT theo từng lưu vực; Xác định nhu cầu đầu tư HTTN cho từng giai đoạn; Triển khai các dự án đầu tư xây dựng HTTN và XLNT.

            Nội dung chính của Quy hoạch HTTN bao gồm:

            Quy hoạch tiêu thoát nước (TTN) theo vùng được chia thành 9 vùng TTN, cụ thể: 1 vùng thuộc miền núi Thượng - sông Bôi (giải pháp TTN cho vùng này là tự tiêu chảy hoàn toàn); 8 vùng  thuộc các sông Nhuệ, Tích - Thanh Hà, Hữu Đáy, Bắc Ninh Bình, Nam Ninh Bình, Bắc Nam Hà (Kim Bảng - Duy Tiên), Trung Nam Định, Nam Nam Định (do địa hình một số vùng thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ, giải pháp TTN mặt cho các khu vực này là kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực).

            Quy hoạch thoát nước mưa đối với các khu đô thị trung du, miền núi thuộc các tỉnh Hà Nội, Hà Nam ở vùng thượng lưu và trung lưu sông Nhuệ - sông Đáy, tăng cường tối đa sử dụng hệ thống hồ điều hòa để tiếp nhận, điều tiết nước mưa, lấy kênh, hồ là tuyến thoát nước mưa chính kết hợp cùng giải pháp bơm cưỡng bức…; Đối với các khu đô thị, cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có, xây dựng mới các công trình thu gom, truyền dẫn nước thải về nhà máy xử lý…; Khu vực nông thôn, lựa chọn HTTN phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi của địa phương.

            Quy hoạch thoát nước thải và XLNT: Xây dựng các nhà máy XLNT tại các đô thị phù hợp với quy mô của đô thị; Dự kiến đến năm 2030, xây dựng mới 24 nhà máy XLNT, với công suất đạt 1.182.500 m3/ngày đêm; Bố trí hồ sinh học XLNT khu dân cư nông thôn; Kiểm soát chất lượng nước khu vực sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong nông nghiệp…

            Dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng HTTN trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 khoảng 90.429 tỷ đồng, đến năm 2030 khoảng 108.302 tỷ đồng.

 

PV

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

Ý kiến của bạn