04/06/2014
On 25th March 2014, the Prime Minister has approved Decision no. 25/2014/QD-TTg regulating the function, task, responsibility and organisation structure of the Vietnam Environment Administration. Accordingly, the Vietnam Environment Administration is responsible for counselling and advising the Minister of Natural Resources and Environment on state management and legal enforcement on environment nationwide; the Vietnam Environment Administration has 21 task groups on general state management and particular environment and biodiversity management. Decision no. 25/2014/QD-TTg elaborates new state management areas such as identification of environmental damages and responsibility for damage compensation; development of biodiversity conservation planning, control of invasive alien species… Decision no. 25/2014/QD-TTg has specified and clarified tasks on appraisal, verification and assessment of environmental pollution treatment works, equipment and technologies… In particular, the environmental health field has been included… In terms of organisation structure, the Vietnam Environment Administration has 18 departments, including five general affair departments, 7 agencies with 3 newly established agencies to implement unified state management from central to regional level (Environmental Protection Activity Control Agency, Environment Agency for Central Region and Central Highland, Environment Agency for Southern Region) and 6 revenue-raising public agencies.
The approval of Decision 25/2014/QD-TTg is an important attempt and a breakthrough in better implementation of Resolution no. 41 /TW by the Politburo dated 15th November 2004 on environmental protection in the promotion of the industrialisation and urbanisation and Resolution no. 35/NQ-CP of the Government dated 18th March 2013 on urgent issues in the environmental protection sector.
The Decision takes effective from 15th May 2014 and replaces Decision no. 132/2008/QD-TTg by the Prime Minister dated 30th September 2008.
Ngày 25/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TN&MT (Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2014 và thay thế Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/9/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường (Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg).
Việc ban hành Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg là bước tiến quan trọng, mang tính chất đột phá nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT. So với Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg có một số điểm mới, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Về vị trí, chức năng: Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg giữ nguyên vị trí chức năng của Tổng cục Môi trường như quy định tại Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg và bổ sung thêm chức năng “Tổ chức thực thi pháp luật về môi trường trong phạm vi cả nước” vào khoản 1, Điều 1 để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định số 21/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/3/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT (Nghị định số 21/2013/NĐ-CP).
Về nhiệm vụ, quyền hạn
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã bổ sung và làm rõ nhiệm vụ “hoạt động, xử lý và thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất” để phù hợp với khoản 2, Điều 25 và khoản 1, Điều 64 Luật Hóa chất năm 2007; bổ sung nhiệm vụ “Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, đa dạng sinh học; phổ biến giáo dục, pháp luật về môi trường, đa dạng sinh học theo quy định” để phù hợp với khoản 1, Điều 93 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm về cơ bản được giữ nguyên, tuy nhiên có sắp xếp, bổ sung nhiệm vụ “cảnh báo” và nhiệm vụ “phát hiện mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm để đề xuất các giải pháp kiểm soát, xử lý” phù hợp với nội dung Nghị định số 21/2013/NĐ-CP.
Nhiệm vụ quản lý chất thải và cải thiện môi trường; BVMT lưu vực sông, vùng ven biển được bổ sung một số nội dung “xác định thiệt hại đối với môi trường và trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường”, “hướng dẫn việc điều tra, xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; tổ chức thẩm định và tổng hợp các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh theo quy định của pháp luật;” và “lập, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền danh mục chất thải nguy hại”.
Căn cứ trên cơ sở Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 21/2013/NĐ-CP, Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã sắp xếp, kết cấu lại và làm rõ các nhiệm vụ về bảo tồn đa dạng sinh học, bổ sung các nhiệm vụ về công tác quy hoạch khu bảo tồn, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học.
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ về thẩm định các dự án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; quản lý hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược; quản lý hoạt động của các tổ chức dịch vụ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra các nội dung về môi trường đối với các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển và các dự án đầu tư theo sự phân công cho phù hợp với Nghị định số 21/2013/NĐ-CP; Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điểm về xây dựng và quản lý hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các chương trình, hoạt động quan trắc môi trường; xây dựng và thống nhất quản lý số liệu quan trắc môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê môi trường, các bộ chỉ thị môi trường và đa dạng sinh học; lập và công bố báo cáo quốc gia về môi trường, đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường... để phù hợp với Nghị định số 21/2013/NĐ-CP theo hướng thống nhất quản lý về hoạt động quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước.
Điểm đáng chú ý, Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã phân định và làm rõ các nội dung hoạt động khoa học công nghệ với các hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển công nghệ môi trường, công nghệ thân thiện môi trường và dịch vụ môi trường. Bên cạnh đó đã bổ sung các nội dung: thẩm định, giám định, đánh giá công trình, thiết bị, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường; triển khai thực hiện các chương trình, mô hình thử nghiệm về sản xuất và tiêu thụ bền vững, thân thiện môi trường, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; nghiên cứu, ứng dụng, triển khai tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực BVMT, phát triển công nghệ môi trường; danh mục các chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải.
Sức khỏe môi trường là một khái niệm hoàn toàn mới và chưa được đề cập trong hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành TN&MT và ngành y tế cũng như các ngành khác. Các hoạt động thuộc lĩnh vực sức khỏe môi trường hướng tới giải quyết những vấn đề tồn tại trong khu vực giao thoa chức năng, nhiệm vụ của ngành TN&MT và ngành y tế. Nội dung sức khỏe môi trường trong Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg là điểm mới so với Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg.
Về cơ cấu tổ chức
Nội dung nổi bật của Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg là thay đổi cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường với một bước phát triển mới về số lượng các đơn vị trực thuộc.
Theo Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg, Tổng cục Môi trường được thành lập gồm có 12 đơn vị trực thuộc bao gồm 6 đơn vị tổng hợp và 4 cục chức năng, 2 đơn vị sự nghiệp, cụ thể là các đơn vị: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách và Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, công nghệ, Thanh tra Tổng cục, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Viện Khoa học quản lý môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã quyết định thành lập thêm 4 tổ chức sự nghiệp dịch vụ công tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên trực thuộc Tổng cục Môi trường gồm: Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường và Tạp chí Môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường. Như vậy, Tổng cục Môi trường có 16 đơn vị trực thuộc.
Tại Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg, Tổng cục Môi trường gồm 18 đơn vị trực thuộc, bao gồm 5 đơn vị tổng hợp và 7 cục chức năng, 6 đơn vị sự nghiệp, cụ thể các đơn vị: Vụ Chính sách và Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Tổng cục, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (có Chi cục BVMT lưu vực sông Cầu, Chi cục BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy), Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục Kiểm soát hoạt động BVMT, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Cục Môi trường miền Nam, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tạp chí Môi trường, Viện Khoa học môi trường.
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg giữ nguyên tổ chức và tên gọi: Vụ Chính sách và Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học, công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Tổng cục, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tạp chí Môi trường. Bên cạnh đó, Viện Khoa học quản lý môi trường vẫn giữ nguyên tổ chức nhưng được đổi tên thành Viện Khoa học môi trường.
Theo Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg, Tổng cục Môi trường được thành lập 3 Cục mới, đó là: Cục Kiểm soát hoạt động BVMT để thực hiện chức năng tham mưu giúp Tổng cục công tác thanh tra chuyên ngành, quản lý các dịch vụ công về môi trường; Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên thực hiện chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường theo phân công trên địa bàn các tỉnh, TP: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng và TP Đà Nẵng; và Cục Môi trường miền Nam thực hiện chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường theo phân công trên địa bàn các tỉnh, TP: TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã kế thừa, phát triển Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg. Cơ cấu tổ chức gồm 18 đơn vị nêu trên bảo đảm tính kế thừa, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ và thống nhất; rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm sự chỉ đạo trực tiếp, thống nhất và kịp thời của Tổng cục; tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Hệ thống quản lý nhà nước về môi trường mở rộng từ Trung ương đến các vùng, miền đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, vận hành thông suốt, hiệu lực và hiệu quả; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Bộ TN&MT, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Cơ cấu tổ chức mới của Tổng cục Môi trường bao quát toàn bộ các nhiệm vụ quản lý môi trường, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, nhưng một việc không thể do nhiều tổ chức cùng chịu trách nhiệm. Những việc có liên quan đến nhiều tổ chức thì có một tổ chức được giao chủ trì và chịu trách nhiệm chính, các tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp. Đối với đơn vị mới được kiện toàn tổ chức hoặc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ có tính độc lập tương đối, đang hoạt động ổn định sẽ không đặt ra việc thay đổi mô hình tổ chức mà chỉ rà soát, đánh giá để kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Đối với lĩnh vực có nhiều đầu mối quản lý hoặc mô hình tổ chức chưa phù hợp, chưa tương xứng sẽ rà soát, kiện toàn hoặc xây dựng cơ chế phân công quản lý thống nhất, tránh tình trạng phân tán, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ. Đối với các lĩnh vực mới phát sinh hoặc do yêu cầu quản lý nhà nước và sự phát triển của xã hội, sẽ giao các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hiện có để quản lý.
Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg đã hệ thống, cụ thể hóa các nội dung về cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường, bồi thường thiệt hại môi trường, bồi hoàn đối với môi trường và đa dạng sinh học, ký quỹ cải tạo - phục hồi môi trường, thuế, phí, lệ phí, các nguồn thu khác và các hình thức ưu đãi liên quan đến BVMT, quản lý hạn ngạch xả nước thải và khí thải vào môi trường; các dịch vụ công về môi trường theo quy định của pháp luật. Quyết định số 25/2014/QĐ-TT đã kế thừa, phát triển Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg; sửa đổi những quy định không còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để bảo đảm bao quát các chức năng, nhiệm vụ được giao. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Môi trường được quy định theo hướng kết hợp giữa các nhiệm vụ, quyền hạn chung và các nhiệm vụ quyền hạn đặc thù về quản lý chuyên ngành, quản lý đến các vùng, miền; phân định để khắc phục những chồng chéo và bỏ sót trong quản lý nhà nước giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành khác cũng như trong nội bộ Bộ TN&MT.
PGS.TS Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng
Nguyễn Kim Tuyển
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ
Tổng cục Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014