Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường

10/05/2014

     Agriculture plays an important role in contributing to economic development and political and social stabilization. However, together with agricultural development, pollution in agricultural and rural sectors is increasing.

     Over the past few years, Ministry of Agriculture and Rural Development (MARD) has increased environmental protection in agricultural production to control and minimized pollution. Examples include issuing regulations on environmental monitoring, strategic environmental impact assessment, environmental impact assessment, and action plan for implementing a national strategy on environmental protection by 2020, visions by 2030. Other measures include implementing Decision 64/2003/QD-TTg on serious polluters under MARD’s management. To improve effectiveness of environmental protection in agriculture and rural development, it is necessary to conduct the following measures: restructuring an agriculture sector in a direction of increasing added values, sustainable development and environmental protection, limiting and eliminating polluting production patterns and developing an environmentally friendly agriculture.

     Việt Nam là một nước nông nghiệp với 75% số dân và nguồn lực lao động xã hội đang sinh sống và làm việc ở khu vực nông thôn, đây cũng là lực lượng sản xuất chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội.

     Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành thì vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng gia tăng. Kết quả điều tra cho thấy, vấn đề môi trường bức xúc nhất trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay là ô nhiễm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, các làng nghề, vùng sản xuất thâm canh do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan và khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh.

     Triển khai nhiều giải pháp BVMT

    Trước thực trạng trên, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động BVMT trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Bộ tập trung xây dựng các văn bản phục vụ công tác quản lý môi trường của ngành về lĩnh vực quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, chương trình hành động thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số văn bản khác như: Thông tư số 55/2013/TT-BNNPTNT quản lý nhiệm vụ BVMT thay thế Thông tư số 76/TT-BNNPTNT; Thông tư Hướng dẫn quản lý công tác quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn… Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức thẩm định 12 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 4 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Tổ chức quan trắc môi trường thường xuyên phục vụ trạm quan trắc quốc gia và quan trắc môi trường ngành; Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định và phê duyệt phương án thu mẫu nguồn gen sơn dương của Vườn quốc gia Cát Bà.

     Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan kiểm tra hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo kế hoạch và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg thuộc lĩnh vực của ngành quản lý. Cụ thể, đối với 24 cơ sở phải thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường triệt để do Bộ NN&PTNT quản lý trực tiếp, có 20 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, chiếm 83,33% (trong đó có 15 kho thuốc BVTV; 5 cơ sở sản xuất kinh doanh); 4 cơ sở đang thực hiện các yêu cầu của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

 

Cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

 

     Mặt khác, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp với 63 Chi cục Bảo vệ thực vật điều tra, thống kê các loại kho lưu chứa thuốc BVTV, khối lượng các loại thuốc BVTV, bao bì chứa thuốc BVTV cần tiêu hủy trên phạm vi cả nước. Qua nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Bộ đã giao Viện Môi trường nông nghiệp "Xử lý thí điểm triệt để một vùng đất bị ô nhiễm nghiêm trọng thuốc BVTV, thí điểm tại Nghệ An giai đoạn 2011 - 2013. Năm 2011, đã xử lý thí điểm một lô đất là nền kho chứa thuốc DDT tại Nam Đàn, Nghệ An có diện tích 350 m2, kết quả, đã đưa được dư lượng thuốc từ 2.600 ppm phần triệu xuống xấp xỉ 3ppm, đạt hiệu quả 99%. Tuy nồng độ thuốc chưa đạt yêu cầu về dư lượng thuốc theo quy chuẩn Việt Nam nhưng đã đạt được mức gần như không gây tác động cho môi trường sống của người dân. Năm 2012, tiếp tục triển khai xử lý thí điểm lô đất còn lại trong khu đất là kho chứa thuốc DDT trước đây (liền kề với lô xử lý năm 2011) tại xã Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An. Kết quả đã giảm được trên 99% so với nồng độ thuốc ban đầu.

     Tại các địa phương, Sở NN&PTNT các tỉnh đã hưởng ứng tháng hành động BVMT và thực hiện các chương trình cụ thể như: tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông, phối hợp với đoàn thanh niên vệ sinh cơ quan, công sở, triển khai công tác trồng rừng; phát các chương trình phóng sự về BVMT tại địa phương; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận - giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm và thuốc BVTV, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch), Chương trình huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Chương trình ICM (3 giảm, 3 tăng: giảm giống, giảm phân, giảm thuốc BVTV; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế); tuyên truyền vận động bà con dân tộc miền núi không phá rừng làm nương rẫy, không đốt rừng trái phép trong mùa khô; tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi lắp đặt hầm biogas bằng vật liệu composite nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi...

     Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện nhiệm vụ môi trường trong các Chương trình, Đề án, Dự án do Chính phủ giao: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình sa mạc hóa, xử lý chất dioxin… Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định về việc giao trách nhiệm cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. Theo đó, Bộ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá, đề xuất các biện pháp tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; Đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất thải trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; hóa chất BVTV nhập lậu, hết hạn sử dụng; Kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi tập trung, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; Lập danh mục, đề xuất biện pháp quản lý các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận trên phạm vi cả nước; Rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí về BVMT khi xem xét công nhận làng nghề.

     Phương hướng hoạt động trong thời gian tới

    Để công tác BVMT nói chung và trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nói riêng đạt hiệu quả, trong thời gian tới, ngành NN&PTNT cần thực hiện một số nội dung: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với BVMT; Hướng tới hạn chế và loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Phát triển ngành nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu sử dụng hóa chất BVTV, phân bón hóa học; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất BVTV, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp…

 

Nguyễn Xuân Khôi

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường -
Bộ NN&PTNT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

Ý kiến của bạn